TẦM NHÌN VĂN HÓA KHI CHỌN NƠI AN NGHỈ CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Ngoài lý do về phong thủy, tâm linh, người kiến tạo lịch sử, vị tướng lẫy lừng của thế giới – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – đã quyết định chọn vùng đất Vũng Chùa – Đảo Yến để “yên giấc ngàn thu”, hẳn sẽ còn có cả nguyên nhân chiến lược về: Quốc phòng, kinh tế, chính trị và văn hóa.
Như chúng tôi đã trao đổi ở bài trước, Vũng Chùa – Đảo Yến nằm trong Khu Công nghiệp Cảng biển Hòn La, dưới chân Đèo Ngang. Hòn La đang là cảng biển sâu, vốn được xem lý tưởng vào loại bậc nhất nước ta. Là tiềm năng kinh tế biển. Nhưng vì nhiều lý do, nơi đây vẫn chưa được đầu tư, phát triển xứng tầm.
Việc Đại tướng chọn “viên ngọc” thô này làm nơi an nghỉ, sẽ góp phần nào giúp địa phương kêu gọi đầu tư, cùng với Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế toàn khu Bắc Miền Trung vốn đang còn đói nghèo.
Để hiểu thêm về mảnh đất này, chúng tôi đã ghé thăm nhà một số vị cao niên ở xã Quảng Đông. Ông Cao Sỹ Điều, một người sinh ra và lớn lên ở đây cho biết:
“60 năm gắn bó với vùng đất ni, tui biết rõ về nó lắm. Cái tên Vũng Chùa – Đảo Yến đã có từ lâu rồi. Khi còn bé, tui nhiều lần ra Đảo Yến. Chỗ ni có một cái hang rất to, chim yến sinh sống trong đó nhiều lắm. Đằng sau Vũng Chùa là núi. Phóng tầm mắt ra biển, Đảo Yến như một bức bình phong giữa biển. Người dân quê tui cũng thường hay ra đây, nhìn về đó chỉ thấy một đường cung giao giữa trời và đất, bao la nghìn trùng. Biển ở đây, vừa có độ sâu lý tưởng vừa có dải cát trải dài, nước sạch, trong xanh. Hồi trước, bà con quê tui sống bằng nghề thu hoạch Yến, nhưng giờ có Công ty Yến sào Khánh Hòa vô làm, dân lại quay sang nghề đánh bắt”.
Như đã biết, quê hương Lệ Thủy của Tướng Giáp – nơi có con sông Kiến Giang hiền hòa chảy qua – là một địa danh nằm cuối đất Quảng Bình từ Bắc vào Nam. Nên không phải ngẫu nhiên mà Người chọn Vũng Chùa – Đảo Yến, một điểm đầu cực bắc của tỉnh Quảng Bình để “nghỉ ngơi”. Từ nay, người từ phía Bắc muốn vào thăm cụ thì sau khi qua Đèo Ngang rẽ vào phần mộ dâng hương, cũng sẽ đi tiếp đến tận phía Nam tỉnh Quảng Bình để tham qua Khu di tích nhà ở xưa của Đại tướng.
Và ngược lại, người từ phía Nam khi ghé ra thăm Khu nhà lưu niệm ở Lệ Thủy, cũng sẽ đi tiếp đến điểm đầu của Quảng Bình để thắp nén nhang lên mộ phần của Người. Với lộ trình như vậy, đất và người Quảng Bình sẽ nhộn nhịp hơn. Nó phàn nào thúc đẩy rất lớn việc phát triển các dịch vụ du lịch trên quê nhà – nơi vốn phải trải qua nhiều thiên tai tàn khốc và mưa đạn của quân thủ. Có biển Nhật Lệ, Có Phong Nha – Kẻ Bàng, Sơn Đòong, từ nay, mảnh đất nghèo này sẽ hội tụ đủ các yếu tố để phát triển du lịch.
Cùng với việc đón nhận mộ phần của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong khu vực Hoàng Sơn – Hòn La sẽ sớm xây dựng một căn cứ quân đội (ít nhất là cấp sư đoàn) để bảo vệ vĩnh viễn lăng mộ cho Người. Có quân đội thường trực, sự trăn trở về an ninh, quốc phòng về cái điểm “tử huyệt” sẽ phần nào được hóa giải.
Một ý nghĩa nữa, khi chọn lựa nơi này của Đại tướng có liên quan đến vấn đề biển Đông – nơi tình hình chính trị – quốc phòng chưa bao giờ được chúng ta lơ là, xem nhẹ. Lăng mộ của cụ có mặt trước hướng ra biển Đông. Nhưng do đặc thù của eo biển nên từ trên tọa độ 130 của đỉnh núi Rồng, phóng tầm mắt qua Đảo Yến là chính trực hướng Đông Nam, nơi có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn đang có nhiều biến động.
Tọa lạc trên đỉnh núi Rồng (hay còn gọi là Thọ Sơn), Người như ngọn hải đăng tinh thần luôn sáng ngời để dẫn đường, nhắc nhở con cháu muôn đời sau phải có trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của tổ quốc – nơi bọn ngoại xâm đang lăm le dòm ngó.
Ban đầu, theo dự kiến sẽ có 3 địa danh được các nhà khoa học, phong thủy cân nhắc để chọn an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quê nhà thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy; Phong Nha – Kẻ Bàng và Vũng Chùa – Đảo Yến. Nhưng phương án cuối cùng được lựa chọn vẫn phải là Vũng Chùa – Đảo Yến – nơi sinh thời, chính Đại tướng đã lựa chọn.
Khi biết thông tin Đại tướng sẽ an nghỉ tại núi Rồng, nhiều người dân quê nhà ở làng An Xá rất buồn, có đôi chút hụt hẫng. Rồi sau, khi biết đó là nguyện vọn cuối đời của Cụ và tâm nguyện của gia đình, mọi người đều toại nguyện, thể theo. Một người con làng An Xá phân tích: “Cụ Giáp là người đã có những quyết định mang tính lịch sử và đi đến thắng lợi. Nếu cụ đã chọn Vũng Chùa, chắc là có nguyên do đặc biệt của cụ rồi. Dẫu sao, cụ đã về được với quê hương là tốt lắm, không thể đòi hỏi hơn. Chúng tôi rất bằng lòng”.
Còn những người dân Vũng Chùa – Đảo Yến ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) lại rất xúc động và háo hức. Ông Phan Công, một người dân sống sát biển Vũng Chùa nói: “Tui và rất nhiều người dân quê tui khi biết tin này đều xúc động không cầm được nước mắt. Nếu đây là nơi an táng Đại tướng thì đối với người dân quê tôi, đó là một niềm tự hào lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng lỗi lạc, một người mà ai ai cũng kính trọng. Nếu Đại tướng về an nghĩ vĩnh hằng nơi đây, chúng tôi nguyện sẽ bảo vệ, chăm sóc mộ phần thật tốt”.
Những ngày qua, rất nhiều danh xưng đã được dùng để nói về Người. Nhưng qua sự chọn lựa điểm dừng chân cuối cùng của cuộc đời mình, Đại tướng vẫn khiến cho không ít người phải thốt lên sự “tâm phục, khẩu phục”. Vũng Chùa, Đảo Yến, Hòn La, Mũi Rồng… và nhân dân Quảng Bình đã chính thức được đón Cụ về an nghỉ. Đây sẽ là chuyến về thăm và ở lại với quê hương vĩnh hằng của Người.
Theo quan sát của phóng viên, bãi biển Vũng Chùa – Đảo Yến, dân địa phương vẫn gọi là Bãi Rõ dài hơn 1km. Khung cảnh nơi đây tuyệt đẹp với bờ cát trắng mịn màng, quanh năm không có gió to và sóng lớn. Trong cái nắng nhè nhẹ của một ngày tháng 10, những con sóng xanh biếc vỗ vào bờ mơn man, như háo hức đón cụ về nơi đây. Những con sóng, những luồng gió mát từ biển xanh ấy, từ đây sẽ vỗ về giấc ngủ ngàn thu cho Người – Vị tướng tài hoa, niềm tự hào của cả dân tộc Việt.”
Xuân Hồng – Loan Nguyễn (Báo Đời sống & pháp luật)