Trang chủ CẨM NANG HDV Bài thuyết minh tuyến tour 6 tỉnh miền Tây (1)

Bài thuyết minh tuyến tour 6 tỉnh miền Tây (1)

7852
0
Chia sẻ

6 tỉnh miền Tây: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang

———————————————

Bài thuyết minh tuyến tour Đồng Tháp 

Tỉnh Đồng Tháp là một trong 3 tỉnh thuộc khu vực Đồng Tháp Mười

  • Phía Bắc tỉnh giáp Campuchia
  • Phía Nam giáp Vĩnh Long
  • Phía Tây giáp An Giang và Cần Thơ
  • Phía Đông giáp Long An và Tiền Giang.

Tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch, chằng chịt nhiều ao, hồ lớn. Sông chính là sông Tiền (một nhánh của sông Mê Kông) chảy qua tỉnh với chiều dài 132km. Dọc theo hai bên bờ sông sông Tiền là hệ thống kênh rạch dọc ngang. Đường liên tỉnh giao lưu thuận tiện với trên 300km đường bộ và một mạng lưới sông rạch thông thương.

Đồng Tháp nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu chia hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Là một tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp sản xuất nhiều lương thực và các loại nông thủy sản có giá trị xuất khẩu. Đất đai Đồng Tháp màu mỡ bởi phù sa do hai con sông Tiền và sông Hậu cung cấp hàng năm. Xóm làng trù phú giữa bốn bề cây cối xanh tươi. Vì thế, Đồng Tháp được biết đến như một vựa lúa của cả nước. Ở đây có giống lúa nổi – một loài lúa mọc tự nhiên từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 10 thu hoạch mà không cần chăm bón. Đồng Tháp cũng là vùng đầy triển vọng về các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, bông, thuốc lá, đậu tương và cây ăn trái như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quít Lai Vung, bưởi Phong Hòa, chôm chôm, vú sữa có quanh năm.

Ở Đồng Tháp có nhiều tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo và Công giáo. Tính cách người Đồng Tháp mang đậm nét đặc trưng chung của đồng bằng Nam Bộ: cần cù, hiền lành, phóng khoáng, cởi mở và giàu lòng mến khách. Vùng đất Đồng Tháp Mười xưa nổi tiếng hoang vu với lắm bưng, trấp, đìa, bàu với bạt ngàn đưng, lác, năng, sen, súng và lau sậy…

Đây là giang sơn của các loài động vật hoang dại như rắn, rùa, chuột, ếch, chim muông, cua, cá sấu… Tuy ngày nay con người đã khai khẩn và cải tạo đất để lập làng, tạo ruộng, những món ăn đặc sản miền Tây chế biến từ chuột, ếch, chim, tôm, cua, cá đồng … vẫn là những món ăn nổi tiếng của cả vùng, cùng với bánh phồng tôm Sa Giang, nem Lai Vung, bánh xèo Mỹ Trà.

Về thăm Đồng Tháp du khách như trở về với cội nguồn thiên nhiên bởi bầu không khí trong lành, mát mẻ của những cánh đồng lúa phì nhiêu. Đi trên những chiếc xuồng ba lá trên sông rạch để đến với khu di tích lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đài liệt sĩ, khu di tích Gò Tháp, di tích kiến trúc cổ Kiến An Cung, vườn chim thiên nhiên ở Tháp Muời, vườn sếu qúi hiếm ở Tam Nông, khu căn cứ Xẻo Quýt, làng Hoa Kiểng Tân Qui Đông …

Thị Xã Cao Lãnh

Là tỉnh lỵ của tỉnh Đồng Tháp. Sau ngày giải phóng đất nước 30-4-1975, tỉnh Đồng Tháp được thành lập và tên Cao Lãnh được dùng để đặt cho tỉnh lỵ. Là do danh xưng này rất nổi tiếng và trở thành đặc trưng của vùng đất này.

Có huyền thoại nói rằng vào năm 1817, hai vợ chồng ông Đỗ Công Tường, thường gọi là Lãnh, từ miền Trung vào vùng đất này lập nghiệp. Ông bà đã chọn xã Mỹ Trà làm nơi định cư và lập ra một vườn quýt. Đến mùa quýt chín, những người đến mua đươc ông bà tiếp đãi niềm nở và những người bán được đối xử thân thiện… dần dà nơi này trở thành một cái chợ nhỏ. Chợ này trong ba năm đầu rất tấp nập, thu hút những người buôn bán vì thuận đường qua lại.

Còn ông Đỗ Công Tường vốn thuộc dòng nho gia, tính tình cương trực nên được những người trong làng cử làm “Câu Đương” (một chức vụ trong ban tề làng phụ trách việc hoà giải, dàn xếp những vụ xích mích, mâu thuẫn của mọi người trong dân làng). Ở vùng này người ta nhắc tên ông bà suốt ngày. Vì để tỏ niềm tôn kính, họ gọi tên là Câu Lãnh.

Thế rồi trong lúc mọi người đang sống vui vẻ, chan hoà tình cảm với nhau thì năm 1820, xã Mỹ Trà bị một trận dịch bệnh hoành hành. Mỗi ngày trong làng đều có người chết, có nhiều gia đình chết gần hết… Ngày ấy người dân ở đây còn tin tưởng vào thần linh nên cho rằng là Diêm Vương bắt lính. Người nào đến số chết, bị bệnh thì chịu bó tay, không phương cách gì cứu chữa. Vả lại vào thời ấy thuốc men rất thiếu thốn. Người ta không thể trị được chứng bệnh chết người này nên chỉ còn mong đợi vào sự che chở của đấng bề trên mà thôi.

Không thể ngồi yên nhìn cảnh đau thương, ông bà Câu Lãnh liền lập bàn thờ ngoài trời nguyện xin ơn trên cho ông bà chết thay cho dân làng. Một tuần sau, bà thọ bệnh từ trần. Đang lo tẩm liệm bà thì hai ngày sau ông cũng qui tiên. Dân làng lo mai táng ông bà xong thì đợt dịch bệnh cũng chấm dứt. Mọi người thoát khỏi móng vuốt của thần chết. Ơn đức của ông bà được mọi người truyền tụng.

Đến năm 1907, nhân dân xã Mỹ Trà cùng nhau lập miếu thờ và đặt tên chợ gần nơi ông bà định cư là chợ Câu Lãnh. Dần dần tiếng Câu nói trại thành Cao. Và Cao Lãnh được nhìn nhận như một địa phương từ năm 1914. Năm 1916, có một nhóm người từ Bình Định vào định cư tại Cao Lãnh bị mắc chứng bệnh khắc phong thổ, uống thuốc hoài không hết. Họ bèn vào miễu cầu nguyện được ông bà báo mộng bảo lấy nước trong miễu uống. Mọi người làm theo lời báo mộng ấy và quả nhiên đã khỏi bệnh. Tiếng lành về sự linh thiêng của ông bà Câu Lãnh lan truyền khắp nơi và nổi tiếng khắp vùng Nam Bộ.

Sau năm 1975, hai tỉnh Sa Đéc và tỉnh Kiến Phong đã sát nhập lại thành tỉnh Đồng Tháp. Nơi đặt văn phòng ủy ban hành chính tỉnh được gọi là thị xã Cao Lãnh. Thị xã nằm bên bờ sông Cao Lãnh có chiều dài khoảng 15km, là một đoạn sông Tiền tách ra chảy qua thị xã Cao Lãnh rồi sau đó lại nhập vào sông Tiền và đổ ra biển Đông. Ngày nay với sự đầu tư hợp lý và đúng mức của các ban ngành lãnh đạo tỉnh, thị xã Cao Lãnh trở thành trung tâm kinh tế trọng yếu của vùng Đồng Tháp Mười.

Từ thị xã Cao Lãnh chúng ta có thể đi tham quan khu di tích Gò Tháp, khu di tích kiến trúc cổ Kiến An Cung, vườn chim sếu quí hiếm Tam Nông cũng như các vườn cây ăn trái nổi tiếng ở Châu Thành, Lai Vung, Thạnh Hưng… và ở ngay thị xã Cao Lãnh chúng ta có thể thăm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Một người giàu lòng yêu nước và là đấng sinh thành của một nhân vật ưu tú của dân tộc Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Khu Di Tích Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929)

Tháng 8 năm 1975, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã cho xây lại ngôi mộ cụ khang trang, đẹp đẽ hơn. Trên vòm mộ là hình một cánh sen úp xuống có chạm trổ 9 đầu rồng mang ý nghĩa tượng trưng cho con Rồng cháu Tiên, đồng thời bao hàm ý nghĩa là cụ Nguyễn Sinh Sắc sẽ mãi mãi yên nghỉ trong sự che chở, kính trọng của người dân đồng bằng sông cửu long. Bên cạnh ngôi mộ là tượng đài cách điệu hình búp sen, tượng trưng cho người con làng sen đã sống thanh cao và trong sạch. Xung quanh chân tượng đài là hồ nước.

Nếu để ý một chút, quý khách sẽ thấy rằng hình thể của hồ nước rất giống phần diện tích của tỉnh Đồng Tháp trên bản đồ. Trong khuôn viên khu mộ rộng 1 hécta, còn có nơi thờ bà Hoàng Thị Loan, người vợ yêu quý của cụ phó bảng và một ngôi nhà sàn được xây dựng theo đúng kích thước ngôi nhà sàn nơi Bác Hồ đã sống và làm việc tại Hà Nội.

Vài Nét Về Khu Lưu Niệm Nguyễn Sinh Sắc:

Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc nằm cạnh chùa Hòa Long (tức Miễu Trời Xanh ngày xưa) cách trung tâm thị xã Cao Lãnh chừng một cây số rưỡi, trên đất qua bên phà Cao lãnh.

Toàn khu lưu niệm rộng gần 4 hec ta, chia làm hai khu vực: khu vực mộ cụ phó bảng, khu vực Nhà Sàn – Ao Cá Bác Hồ. Qua cổng, du khách gặp ngay nhà khách khang trang phía tay phải. Đây cũng là nơi làm việc của Ban giám Đốc khu lưu niệm. Trong đó có phòng chiếu phim tài liệu phục vụ du khách.

Theo lối đi tráng nhựa, một bên là hàng vú sữa, một bên là hàng dương thẳng tấp. Chừng 100m rẽ về phía tay trái đến cổng tam quan – cổng chính vào khu mộ cụ phó bảng. Khu vực này hình chữ nhật, diện tích 1 hecta. Bao bọc chung quanh là hàng rào xi-măng đơn giản, thanh mảnh như những hoa văn trang hoàng vẻ đẹp của khuôn viên mà không làm khu mộ cách bức với vườn ruộng xanh tươi bên ngoài. Khu mộ khởi công xây dựng ngày 22-8-1975, khánh thành ngày 13-2-1977.

Những công trình chính là: Vòm mộ, hồ Sao, nhà Kiếng và nhà trưng bày.

Vòm Mộ:

Quay về phía Đông, cao trên 10 thước, là một cánh hoa sen cách điệu có dáng dấp bàn tay xòe úp xuống, trên là 9 đầu rồng cách điệu đậm nét dân gian. Vòm mộ tượng trưng cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp che chở, ấp yêu ngôi mộ phó bảng…

Ngôi mộ giữ vị trí cũ, đầu tiên là ngôi mộ đất, sau đó nhân dân đổ núm xi măng. Năm 1954, trước khi tập kết chuyển quân ra Bắc, các đơn vị bộ đội đã xây ngôi mộ bằng gạch, có trụ xi măng và lan can sắt bao chung quanh. Bia mộ ghi : “cụ phó bảng Nguyễn Sinh Huy – Nhà chiến sĩ cách mạng – mất ngày 27-11 năm Kỷ Tỵ (1929). Quân dân chánh Long Châu Sa lập”.

Hiện nay, ngôi mộ được tôn cao lên và ốp đá hoa cương. Núm mộ hình hộp chữ nhật (2m x 1m x 0.9m), màu xám tro, yên vị trên vòm mộ bằng đá mài màu trắng, hình lục giác không đều mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Phía trong vòm mộ là bệ thờ bằng đá mài. Bên trên có tượng chân dung cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, lư hương đặt ở phía ngoài núm mộ.

Hồ Sao:

Nằm giữa khu vực, hình ngôi sao năm cánh, đường kính 30m. Ở giữa hồ sừng sững một đài sen trắng cách điệu ốp đá Italy màu trắng xám, cao 6,5m tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, trong sáng của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cũng là biểu tượng quê hương Kim Liên _ Đồng Tháp vươn thẳng giữa lòng tổ quốc Việt Nam.

Hồ Sao

Nhà Kiếng:

Cách hồ Sao 30m, phía tay phải (trong nhìn ra), nhà kiếng hình chữ nhật thể hiện theo kiểu dáng nhà sàn. Ngoài những mảnh tường thấp và cốt ximăng tô đá rửa, các phòng đều lắp đặt kính 5 ly (nên gọi nhà Kiếng) .

Nhà kiếng cũng là nhà khách trong những buổi tiếp tân đông người. Các phòng tại đây đều thoáng rộng, được trưng bày màu xanh dịu mát. Các hình ảnh chủ yếu giới thiệu về quê hương, thời niên thiếu của Bác Hồ.

Nhà trưng bày:

Đối diện nhà kiếng qua cột cờ giữa sân, gây thú vị cho du khách với lối kiến trúc hình bát giác vụt cao hẳn lên so với dãy nhà hình hộp chữ nhật nối liền với nó.

Phòng trưng bày về cụ Nguyễn Sinh Sắc:

Nằm gọn trong hình bát giác (mỗi cạnh 5m), nền bằng đá rửa trắng lấm tấm hạt đen. Đai trưng bày màu vàng sậm, viền nâu trên nền tường xanh lợt với 4 chỗ thông gió chia đều. Vách và nóc cách nhau một khoảng trống dễ nhận ánh sáng mặt trời cũng như việc bố trí thêm đèn ne-on. Ở đây du khách nhìn thấy ngay bản tiểu sử tóm tắt của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lồng trong khung kính bằng gỗ giáng hương, chữ lộng màu trắng nổi lên trên nền nhung đỏ. Bản tiểu sử đặt trên bệ gỗ tròn thay cho tấm bình phong chia làm hai lối ra vào.

Theo chiều kim đồng hồ, du khách lần lượt tham quan các hình ảnh, hiện vật về cuộc đời cụ phó bảng. Có thể nêu 6 chủ đề chính:

Chủ đê 1: Quê Hương – Thời Niên Thiếu Thưở Hàn Vi

Chủ đề 2: Đỗ Đạt – Làm Quan

chủ đề 3: Từ Quan – Vào Nam

Chủ đề 4: Cao Lãnh Và Những Năm Cuối Đời

Chủ đề 5: Những Di Vật Của Cụ Phó Bảng

Chủ đề 6: Bảo Vệ Và Xây Dựng Mộ Cụ Phó Bảng

Đến viếng thăm mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc là chúng ta đã viếng thăm cả gia đình chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho tổ quốc cho dân tộc.

Cuộc Đời Cụ Nguyễn Sinh Sắc:

Theo gia phả họ Nguyễn Sinh ở Kim Liên, cách đây trên bốn trăm năm, ông Nguyễn Bá Phổ đến và khởi dựng ra dòng họ Nguyễn ở đây. Đến thế hệ thứ tư, Nguyễn Sinh dần đổi tên Nguyễn Bá ra Nguyễn Sinh.

Thế hệ thứ năm có ông Nguyễn Sinh Vật dự kỳ thi hội năm Tân Mão (1651).

Thế hệ thứ sáu, Nguyễn Sinh Trí, năm 17 tuổi dự kỳ thi Hương khoa Quý Sửu (1673) đậu Hiệu sinh (Tú Tài). Năm ba mươi tư tuổi dự kỳ thi Hội khoa Canh Ngọ nhưng chỉ lọt đến Tam trường.

Thế hệ thứ tám Nguyễn Sinh Hải, lập chiến công to, được vua Lê Cảnh Hưng phong sắc khen thưởng.

Ông nội Bác Hồ là Nguyễn Sinh Nhậm (tức là Nguyễn Sinh Vượng) thuộc thế hệ thứ mười. Gia đình ông vào loại khá giả ở Làng Sen. Ông lập gia đình sớm nhưng hiếm con. Khi sinh người con trai là Nguyễn Sinh Trợ (sau nhân dân thường gọi là Nguyễn Sinh Thuyết) thì bà Nhậm mất. Nuôi con đến tuổi thành niên và lập gia đình riêng cho con, ông mới cưới người vợ kế là Hà Thị Hy. Một cô gái có nhan sắc, thông minh tài hoa ở làng Mậu Tài (làng Sày) cùng thuộc xã Chung Cự. Bà Hy là con gái ông Hà Văn Cẩn, một người nổi tiếng về đàn hát, thuộc bậc trung lưu.

Nhà ông thường nuôi thầy dạy học cho con cái nhưng ông lại không màng chuyện thi cử. Bà Hà Thị Hy được cha rất mực yêu quý, truyền cho tất cả vốn hiểu biết của mình về sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của quê hương xứ sở. Bà Hà Thị Hy về làm bạn đời với ông Nguyễn Sinh Nhậm được ít lâu, cuối năm Nhâm Tuất (1863) sinh con trai, đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc. Cuộc sống của gia đình rất êm ấm. Nguyễn Sinh Sắc mới ba tuổi thì ông Nguyễn Sinh Nhậm qua đời. Sau đó một năm bà Hà Thị Hy cũng tạ thế. Nguyễn Sinh Sắc mồ côi cha lẫn mẹ lúc bốn tuổi, phải ở với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Trợ.

Gia đình Nguyễn Sinh Trợ lúc này đang sa sút, gặp nhiều khó khăn, Nguyễn Sinh Sắc không có điều kiện cắp sách tới trường. Nhưng Nguyễn Sinh Sắc là chú bé thông minh, hiếu học và khát học nên đã học lỏm được ở bạn bè ít chữ nghĩa. Thường ngày, buổi sáng dắt trâu ra đồng, khi đi qua cổng nhà thầy đồ Vương Thúc Mậu, bé Sắc thường cột trâu lại dưới gốc cây tre và đứng nghe thầy đồ giảng bài, có lúc mải mê quên cho trâu ra đồng ăn cỏ.

Ngày ấy cụ Hoàng Đường, một thầy đồ ở làng Hoàng Trù được nhân dân tôn kính gọi là cụ Tú, thường đi lại thăm bà con bên ngoại ở làng Kim Liên và thỉnh thoảng ghé thăm cụ Vương Thúc Mậu, bạn bè cùng lớp. Những lần đến Kim Liên cụ thường thấy một chú bé ngồi trên lưng trâu chăm chú đọc sách. Vốn là một thầy đồ quý mến trò, cụ rất có cảm tình với chú bé hiếu học ấy.

Ngày tết Mậu Dần (1878), khi hầu hết trẻ con trong làng Kim Liên đang mải mê với các trò chơi tết, cụ Đường lại thấy chú bé ấy vẫn đọc sách trên lưng trâu. Cảnh tượng đó đã gây cho cụ niềm xúc động sâu sắc. Cụ hỏi tên tuổi và hoàn cảnh cậu bé rồi đến gặp ông Nguyễn Sinh Trợ xin đưa bé Sắc về nhà mình nuôi dạy. Vì hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn và tin tưởng ở cụ Đường, nên vợ chồng ông Trợ đồng ý.

Từ đó, Nguyễn Sinh Sắc có đủ điều kiện để học hành. Nhờ sự chăm sóc dạy dỗ của cụ Đường, và đúng như dự cảm của cụ, Nguyễn Sinh Sắc học tập tấn tới rất nhanh. Chẳng bao lâu, thiên tư của Nguyễn Sinh Sắc bộc lộ ngày càng rõ, hứa hẹn một tương lai tươi sáng trên con đường cử nghiệp. Tiếng tăm học giỏi của Nguyễn Sinh Sắc đồn đại khắp vùng. Hồi đó, ở làng Kim Liên có Nguyễn Đậu Tài học giỏi nổi tiếng, được nhân dân suy tôn là “thần đồng”. Lúc này cả vùng Chung Cự thường truyền nhau câu “Sắc, Tài ai kém ai đâu” để ca tụng hai người học giỏi. Sau hai năm học tập, Nguyễn Sinh Sắc có thể đàm đạo văn thơ với những học sinh lớp trước.

Cụ Đường thương yêu Nguyễn Sinh Sắc như con đẻ. Sau hai năm, cảm thấy trình độ mình có hạn, cụ quyết định gửi Nguyễn Sinh Sắc đến làng Đông Chữ, xã Thịnh Trường (nay là xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc) cách Hoàng Trù trên 30km để học với thầy đồ Nguyễn Thức Tự, người nổi tiếng uyên bác và có lòng yêu nước.

Vợ cụ Hoàng Đường quê ở làng Kẻ Sía, xã Hưng Đạo. Huyện Hưng Nguyên, là con nhà nho Nguyễn Văn Giáp, người đậu bốn khoa tú tài. Khi cụ Nguyễn Văn Giáp đậu tú tài lần thứ hai cũng là lúc vợ sinh con gái đầu lòng cho nên đặt tên con là Nguyễn Thị Kép.

Ba năm sau, khi Nguyễn Sinh Sắc đã đến tuổi thành niên, cô Hoàng Thị Loan, con gái đầu lòng của cụ Đường cũng đã lớn và ngày càng có cảm tình với cậu con trai thông minh và tốt nết ấy. Cụ Đường quyết định chọn Nguyễn Sinh Sắc làm con rể của mình. Ý định này của cụ lúc đầu chưa được cụ bà Nguyễn Thị Kép đồng tình vì không môn đăng hộ đối. Cụ phải kiên trì bàn bạc, tìm mọi cách thuyết phục. Cụ Nguyễn Văn Giáp là nhà nho tân tiến nên đã ủng hộ ý định của con rể, khuyên nhủ con gái mình nên yêu thương, đùm bọc lấy người có tài, có đức gặp phải hoàn cảnh éo le.

Cuối năm 1881, Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan làm lễ hứa hôn. Hai năm sau (1883) đám cưới được tổ chức tại làng Hoàng Trù. Ông bà cụ Hoàng Đường đã dựng ngôi nhà tranh ba gian trong vườn nhà mình để cho đôi vợ chồng mới cưới có chỗ ở riêng.

Năm 1884, vợ chồng ông Nguyễn Sinh Sắc sinh người con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh (Bạch Liên). Bốn năm sau (1888) sinh con trai Nguyễn Sinh Khiêm (Tất Đạt). Năm 1890 cậu bé Nguyễn Sinh Cung (Tất Thành) ra đời. Đồng thời, năm đó ông Nguyễn Sinh Sắc trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh của huyện Nam Đàn do Huấn đạo phủ Anh Sơn và Giáo thụ huyện Nam Đàn tổ chức.

Khoa thi Tân Mão (1891) ông Nguyễn Sinh Sắc dự thi Hương lần đầu tại trường Nghệ An (Vinh) cùng với Vương Thúc Quý và Nguyễn Đậu Tài ở làng Kim Liên. Nguyễn Đậu Tài phải bỏ thi về lo tang cha. Vương thúc quý đậu cử nhân. Còn Nguyễn Sinh Sắc chỉ lọt nhị trường, không đủ điểm vào thi Tam trường.

Ngày mồng 7 tháng 4 năm Quý Tỵ (1893) cụ Hoàng Đường qua đời. Băn khoăn lớn về việc chưa đỗ đạt để báo hiếu với cụ Đường, ông Nguyễn Sinh Sắc đã quyết tâm ôn tập, rèn luyện văn chương. Khoa thi Hương Giáp Ngọ (1894) ông đậu Cử Nhân.

Sau lễ xướng danh kỳ thi Hương khoa Giáp Ngọ ở trường thi Nghệ An, Tổng đốc An Tĩnh Trần Văn Phác tiếp các Tân Khoa Cử Nhân ở hành cung. Làm lễ bái mạng và yến tiệc xong, họ ngâm vịnh hát xướng đến tận khuya. Đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa) hôm sau, các huyện, xã đến đón rước các vị Tân khoa về làm lễ vinh quy.

Ông Nguyễn Sinh Sắc không dự lễ hát xướng mà về nghỉ tại nhà một người bà con họ Hoàng Nghĩa (bà con bên cụ Đường) ở Vinh. Rạng sáng hôm sau, ông cắp bộ áo mũ Cử Nhân và chiếc ô đi bộ về làng. Trong khi đó trên đường từ Vinh về Nam Đàn có các đoàn cờ trống, võng lọng đi đón rước những người đậu đồng khoa với ông, cùng quê ở Nam Đàn.

Vốn không muốn khoa trương danh vị về làng, ông Sắc lấy lý do đang chịu tang bố vợ, không tổ chức ăn mừng mà chỉ làm lễ bái ở nhà thờ, nhà thánh, rồi chuẩn bị ôn luyện để năm sau thi Hội.

Nhiều người tấm tắc khen ngợi, khâm phục về đức khiêm tốn giản dị của ông. Song cũng không thiếu gì người cho rằng ông làm như vậy là không đúng với nghi thức đón rước Tân khoa.

Giữa năm 1895, lần đầu tiên ông Sắc vào Kinh đô Huế dự thi hội khoa Ất Vị. Khoa này không đậu, ông xin vào học trường Quốc Tử Giám. Theo thể lệ của Triều đình hồi đó, muốn vào học trường Quốc Tự Giám phải có tiêu chuẩn sau đây:

Tôn sinh (con cháu các Tôn thất) do phủ Tôn nhân giới thiệu.

Ấm sinh (con quan lại cao cấp) ưu tiên loại 2.

Cử nhân đã trúng thi Hội một kỳ.

Ông Nguyễn Sinh Sắc đã trúng thi hội một kỳ nên được chấp nhận vào học.

Sinh viên trường Quốc Tử Giám hồi đó được cấp học bổng theo hai hạng. Hạng 1 là hạng ưu tiên, mỗi tháng được 4 quan tiền, 3 phương gạo, 1 phương dầu. Hạng 2, mỗi tháng được 2 quan tiền và 2 phương gạo.

Ông Nguyễn Sinh Sắc được cấp học bổng hạng 2, gia đình lại không có tiền gạo cấp thêm nên không đủ điều kiện kinh tế theo học. Nhưng với tấm lòng tha thiết học tập, ông đã trở về Hoàng Trù bàn với vợ giúp mình. Bà Hoàng Thị Loan vui vẻ gửi người con gái đầu lòng ở nhà bà ngoại, đưa hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung cùng chồng vào kinh đô Huế lao động để giúp chồng ăn học.

Sau hàng tháng trời chạy vạy tìm kiếm, vợ chồng ông Sắc mới thuê được một gian nhà nhỏ trong Thành Nội.

Giữa đất đế đô, bà Loan phải tự lao động để nuôi sống mình, con cái và chồng ăn học bằng nghề dệt vải truyền thống. Cuộc sống gia đình chật vật đến mức ngày tết cũng không may nổi cho con tấm áo mới.

Năm 1898 khoa Mậu Tuất, ông Sắc dự thi hội lần thứ hai vẫn không đỗ. Cuộc sống gia đình ông ngày càng vất vả, gieo neo. Thông cảm với cảnh ngộ ấy, ông Đinh Viết Chuyên, một quan nhỏ thuộc bộ hình trong triều đình Huế đã đưa ông Sắc về mở lớp dạy học trong nhà ông Nguyễn Sĩ Độ tại làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên. Nhờ vậy ông Sắc có thêm điều kiện nuôi sống mình và hai con; đồng thời có thể ôn tập, tu luyện văn chương dự thi Hội trong khoa tới.

Hai năm dạy học ở làng Dương Nỗ (1898-1900), ông Sắc đã để lại hình ảnh đẹp về thầy đồ xứ Nghệ trong mọi tầng lớp nhân dân Huế, Thừa Thiên.

Tháng Tám năm Canh Tý (1900), khoa thi Hương mở, ông Nguyễn Sinh Sắc lúc này tuy vẫn là một chân Cử nhân trơn (dân thường), nhưng vì văn hay, chữ tốt, có tín nhiệm nên phó Chủ khảo trường thi Thanh Hóa là Tiến Sĩ Trần Đình Phong đã đưa ông Sắc đi làm Đề lại (thư ký) cho trường thi Thanh Hóa. Cậu Nguyễn Sinh Khiêm được đưa đi cùng để giúp đỡ ông trong sinh hoạt hàng ngày. Còn cậu Nguyễn Sinh Cung thì trở về Huế sống với mẹ.

Công việc chấm thi ở Thanh Hóa kết thúc, ông Sắc đưa Nguyễn Sinh Khiêm về thăm bà ngoại là Nguyễn Thị Kép ở Hoàng Trù và tu sửa phần mộ cho cha ở Kim Liên, mãi tới tết Tân Sửu (1901) vẫn chưa trở lại Kinh đô Huế.

Thời gian này, ở Huế, bà Hoàng Thị Loan sinh thêm người con thứ tư. Sinh con trong cảnh túng thiếu, phải nhờ bà con lao động láng giềng giúp đỡ, bà Loan lấy cảnh ngộ ấy đặt tên cho con là Nguyễn Sinh Xin (tên chữ là Nguyễn Sinh Nhuận).

Sau khi sinh cậu Xin, bà Loan đau ốm liên miên. Căn bệnh hiểm nghèo đã làm tim bà ngừng đập đột ngột vào lúc gần trưa ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý (10-2-1901). Bà Hoàng Thị Loan từ giã cõi đời lúc vừa bước sang tuổi ba mươi ba. Khi bà mất ông Nguyễn Sinh Sắc và hai người con là Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm đang ở quê hương Hoàng Trù, còn ở Huế. Nguyễn Sinh Cung vừa mười tuổi, Nguyễn Sinh Xin mới được mấy tháng tuổi.

Thi hài bà Loan được bà con láng giềng trong thành nội đưa qua cống Thành Long, ra khỏi thành nội, vượt sông Hương lên táng tại chân núi Ba Tầng thuộc dãy núi Ngự Bình – gần nơi Nguyễn Huệ lập thiết đàn lên ngôi Hoàng Đế ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), rồi hành quân cấp tốc ra Bắc Hà đại phá 20 vạn quân Thanh trong tết Kỷ Dậu (1789).

Trong căn nhà nhỏ, sau cổng Đông Ba thuộc khu Thành Nội Huế, Nguyễn Sinh Cung phải bồng bế, nuôi nấng em Nguyễn Sinh Xin và đón xuân Tân Sửu trong nỗi đau buồn vô hạn vì mất mẹ, vắng cha, vắng anh, vắng chị.

Giữa tết Tân Sửu, ở Hoàng Trù nhận được tin đại bất hạnh đó, ông Sắc vô cùng đau đớn, vội vàng trở vào Huế. Cảnh tang thương đã đè nặng lên người ông Nguyễn Sinh Sắc. Không thể sống trong cảnh gà trống nuôi con ở đất đế đô, ông Sắc cùng cậu Cung thay nhau bồng bế cậu Xin trở về Hoàng Trù.

Lúc này cuộc sống gia đình ông khó khăn chồng chất. Tuổi đời đã gần 40, vợ mất, một tổn thất lớn làm mất thăng bằng cuộc sống của ông. Cha con không nguồn thu nhập, không kế sinh nhai, tất cả đều dựa vào cụ Nguyễn Thị Kép. Nhưng tuổi già sức yếu, con gái qua đời đột ngột làm cụ càng yếu thêm. Vô cùng thương tiếc người vợ hiền, tận tụy trọn đời vì sự nghiệp của mình, ông Sắc quyết tâm tiếp tục vào kinh đô Huế dự thi hội khoa Tân Sửu để lập công đền đáp công ơn người vợ hiền.

Được cụ Kép và bà con xóm làng khuyến khích, giúp đỡ tận tình, ông đã gửi các con lại quê nhà rồi kịp vào Kinh đô Huế dự thi. Sau hơn hai mươi năm khổ học, tu luyện văn chương, kỳ thi Hội này ông đậu Phó Bảng.

Một vị đại thần trong triều đình Huế phục tài học của ông Sắc đã làm câu đối mừng:

Độc quần đại đình văn sở trần cô phi bình trị quy mô, chân hảo đắc Đông Quảng Xuyên chi học.

Văn quân sinh nhật ngữ nhập nội tất dĩ ý thành tâm chính quả bất phụ Chu Khảo Đình sở ngôn.

Dịch nghĩa: đọc văn đại đình khoa của anh điều trình bày không ngoài quy mô bình trị, thật anh có được tài học như Đông Quảng Xuyên.

Nghe lời anh nói hàng ngày thấy rõ ý thật lòng ngay, thật không phụ lời nói của Chu Khảo Đình.

Cử nhân Vương Thúc Quý thay mặt nhân dân Kim Liên viết bài trướng văn trong đó có đoạn:

“Nguyễn hiền đài sau lần hội chí, trở về quê Nghệ An, đem theo vợ con dắt díu vào Nam. Bản thân học Quốc Tử Giám, gia đình trọ trốn kinh Đô. Ngày hai bữa cháo cơm đạm bạc, ăn chẳng bao nhiêu, mà học nghiệp ngày càng tinh tấn. Ôi, gọi là “Phú” mà đất trắng không, xướng là “Kim” mà phận nghèo lại túng. Lại nữa, trời độ người thanh, mộng vàng chợt tỉnh: xưa giao cầm nâng gẫy mà lòng riêng chợt cảm, nay tuổi trung niên đã ôm mối tình chung, Gân sức rã rời mà vẫn cứ ruổi rong. Ý là, gặp cảnh ngộ thì gắng chịu đến tận cùng cảnh ngộ. Nhảy, bay đã rõ giống giao long!

Mới hay, duyên cớ đủ thì kiến ong tự đến, văn chương hay lọ phải gượng làm văn. Vậy nên, lửa cháy nổ vang, phiến gỗ đồng thành cây đàn tiêu vĩ. Đỉnh núi thu ý chực vút xung thiên, nhành mai lạnh khai đầu hoa nở sớm. Nhị giáp cây trồng lần trước, tam trường rạng rỡ nghiệp xưa. Gọi mở lòng người về vận thế, văn chương. Thật đáng chúc mừng, đáng để chúc mừng. Mà công lao của Nho học đối với triều đình làng nước cũng là ở đây, ở chỗ này đây.

Xin bày tỏ mấy lời thơ vụng, vui cùng người áo gấm vinh quy”.

Kể từ khoa thi Hội Tân Sửu (1901), những người đậu Phó bảng bắt đầu được hưởng 2 đặc ân của chính bảng là được vua ban cờ, biển và cho hưởng lễ vinh quy bái tổ. Vì thế trong lễ xướng danh, ông Nguyễn Sinh Sắc được vua Thành Thái tặng biển “Ân tứ ninh gia” (Ơn ban cho gia đình tốt) và cấp phương tiện đưa về tận tỉnh lỵ Vinh.

Tổng đốc An Tĩnh lúc đó là Đào Tấn đã sức cho lý trưởng các làng thuộc xã Chung Cự huy động nhân dân đưa võng, lọng cờ, trống lên tỉnh rước ông Phó bảng tân khoa về Kim Liên vinh quy bái tổ.

Hồi đó nghi thức này là một vinh dự rất lớn đối với các nho sinh thành đạt. Nhưng ông Nguyễn Sinh Sắc chỉ dự lễ đón tiếp chung do quan Tổng đốc tổ chức rồi không chờ dân làng đến rước, một mình đi bộ về nhà. Đến cầu Hữu Biệt (cầu Mượu), cách làng Hoàng Trù 4km, ông đã gặp dân làng xã Chung Cự mang võng, lọng, cờ, trống trên đường xuống Vinh để rước ông về. Gặp ông giữa đường, nhân dân mừng rỡ liền trương lọng, tung cờ, nổi trống, đăng võng mời ông Phó bảng nằm lên để cho dân làng được rước lễ vinh quy.

Ông thưa lại: “Tôi đậu chẳng có ích gì cho bà con làng xóm mà bà con phải đón rước?” Dân làng thưa với quan Phó bảng: “Từ xưa đến nay làng Kim Liên ta mới có quan đậu đại khoa làm vẻ vang cho làng nước. Xin được rước lễ vinh quy cho thỏa lòng mong ước bấy lâu nay”.

Ông Sắc một mực từ chối nên cuối cùng dân làng đành phải lặng trống, xếp võng, xếp lọng cùng quan Phó bảng đi bộ trở về.

Theo tập tục địa phương và nguyện vọng bà con họ Nguyễn Sinh, ông Sắc vinh quy về quê nội Kim Liên.

Lần đậu Cử nhân, ông đã không tổ chức ăn mừng. Nay đậu Phó bảng, nhân dân xã Chung Cự trích hai trăm quan tiền quỹ nghĩa thương và ruộng thánh để ông làm chỗ khao. Lúc đầu ông vẫn từ chối, nhưng vì lệ làng buộc ông phải nhận. Song ông lấy lý do là đang có tang vợ, không nên tổ chức ăn mừng. Ông chỉ nhận 10 quan tiền mua trầu, nước mời dân làng, còn lại ông bàn với hội đồng kỳ mục đem chia cho người nghèo đói trong làng làm vốn. Ông còn thân hành xuống tận từng xóm hướng dẫn bà con lấy tiền đó mua nguyên vật liệu về làm nghề thủ công đan thúng mủng, rổ rá… bán lấy tiền sinh sống. Vốn đó có nơi còn giữ mãi đến năm 1945.

Sau khi vinh quy về làng Kim liên, ông Nguyễn Sinh Sắc cùng các con sống một cuộc sống thanh bạch, đầm ấm trong ngôi nhà tranh năm gian do xã Chung Cự và bà con hai họ Nguyễn Sinh, Hoàng Xuân làm cho.

Triều đình Huế mời ông Sắc đi làm quan, nhưng ông lấy lý do “bị bệnh ở lại quê quán uống thuốc” để từ chối. Ông viết lên xà nhà mấy chữ: “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng” (đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình) để răn dạy con.

Ông Sắc rất quan tâm đến việc học hành của con cái. Ông cho con trai đến học với Cử nhân Vương Thúc Quý (là con trai Tú tài Vương Thúc mậu, lãnh tụ Cần Vương chống Pháp ở núi Chung), bạn thân của ông và là một trong “tứ hồ” của Nam Đà.

Sau khi đậu Phó bảng, ông Nguyễn Sinh Sắc còn có điều kiện đàm dạo thời cuộc với Phan Bội Châu và các sĩ phu yêu nước trong vùng. Năm 1903 nhân dân Võ Liệt, huyện Thanh Chương, một vùng có truyền thống hiếu học và yêu nước, nghe tin ông Nguyễn Sinh Sắc là người có học vấn uyên bác, văn hay chữ tốt, có đạo đức trong sáng, liền cử ông Phan Sĩ Mậu (còn gọi là ông Đồ Cẩm) xuống tận Kim Liên mời ông lên dạy học tại nhà ông Nguyễn Thế Vấn.

Gần một năm dạy học ở đó, ông đã để lại hình ảnh đẹp của người thầy giáo, có ảnh hưởng tốt trong học trò. Có người kể rằng: những đêm học trò đến hỏi bài khuya quá không thể về nhà, được ông cho ngủ cùng giường. Ông thường khuyên học trò đã đi học thì phải chăm học để đi thi. Nếu đi thi có đỗ thì cũng không nên làm quan. Vì làm quan là áp bức, bóc lột, đè nén dân.

Ông không coi việc học trò thi cử đậu đạt cao, làm quan to là dấu hiệu vinh hiển của người thầy giáo. Đây là điều khác biệt giữa thầy đồ nho Nguyễn Sinh Sắc với các thầy đồ nho khác ở trong vùng. Hai mươi sáu năm sau (1929), nghe tin ông đã tạ thế ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, học sinh ở Thanh Chương làm đôi câu đối để viếng thầy trong đó có một vế như sau:

“nhớ thầy xưa thiếu niên cô khổ, học hành tài giỏi đậu Hương đậu Hội, nhà chẳng có, quan chẳng làm, nuôi con trưởng thành một gái hai trai”.

Khoảng năm 1904, sau khi dạy học ở Thanh Chương một năm, ông chuyển sang dạy học ở nhà Nguyễn Bá Uy thuộc làng Du Đồng, huyện Đức Thọ. Sau đó ông đi khắp các vùng trong tỉnh gặp các nhân sĩ yêu nước. Đến làng Đông Thái, quê hương của cụ Phan Đình Phùng; đến làng Trung lễ, quê hương của Lê Ninh; có vài lần ông đưa cậu Nguyễn Sinh Cung đến làng Trung Cần, quê hương của Thám hoa Nguyễn Đức Giao; lên núi Thiên Nhẫn, thăm di tích lịch sử thành Lục Niên, đại bản doanh của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, được xây dựng từ năm 1424 chống quân xâm lược nhà Minh; một trí thức nổi tiếng thời Tây Sơn.

Có khi ông ra đến tận huyện Diễn Châu thăm ông Võ Tất Đắc, một tri huyện ở Thanh Hĩa, cáo quan về ở làng Vạn Phần (nay xã Diễn Vạn), thăm ông Võ Khang Tế ở làng Hậu Luật (nay là xã Diễn Bình), trước là Tương Tán Quân vụ trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp của cụ Nghè Nguyễn Xuân On về ở tại đây. Ong lên xã Tràng Sơn, huyện Yên Thành, thăm con cháu Lê Doãn Nhã, một lãnh tụ chống Pháp, ra làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Có lần ông ra đến tận huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, đàm đạo thời cuộc với các sĩ phu ở ngoài Bắc, trong đó có người con trai lãnh tụ chống Pháp Nguyễn Quang Bích, là cậu ấm Nguyễn Quang Đoan.

Những nơi ông đến là những nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi và anh dũng. Những người ông kết giao đều là những người có lòng yêu nước, có chí cứu nước. Trong lúc đàm đạo thời cuộc với các nhà nho yêu nước, ông Nguyễn Sinh Sắc thường phê phán lối học của các cụ đương thời là “chi điệp, chi văn” (lối văn trên cành, trên lá), là không thiết thực. Tại sao cuộc chiến đấu của phong trào khởi nghĩa Phan Đình Phùng, khởi nghĩa của Nguyễn Xuân On rất sôi động và oanh liệt, nhưng kết cục không thắng lợi được là đề tài các cụ thường đàm luận. Các cụ thường bàn nhiều đến việc làm thế nào để giải phóng đất nước, làm sao cho dân khỏi khổ…

Những cuộc đàm luận này đã có ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng yêu nước của Nguyễn Sinh Cung, góp phần giúp cậu có nhiều suy nghĩ về con đường sẽ lựa chọn sau này.

Trong gia đình, Nguyễn Sinh Cung là người được ông yêu thương, và đặt nhiều hy vọng nhất, đi đâu cũng thường được cho đi cùng. Nhờ vậy mọi việc làm, mọi lời nói, mọi cử chỉ hàng ngày của ông Sắc đều đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc tới cậu.

Thực tế sôi động của nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung, cùng với nỗi niềm tâm sự của ông Sắc và các sĩ phu yêu nước thời bấy giờ đã làm cho cậu đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Khi nghe tin bọn thực dân Pháp tuyên truyền ba mục tiêu lớn của cuộc đại cách mạng tư sản Pháp “tự do, bình đẳng, bác ái”, cậu đã suy nghĩ nhiều và muốn tìm hiểu bản chất của nó. Cậu thấy thái độ và chính sách của thực dân Pháp diễn ra ở các vùng mình đã đi qua đều trái hẳn với điều chúng nói. Thực tế đó càng thôi thúc cậu muốn tiếp xúc với nền văn minh Pháp để khám phá ra sự thật.

Về sau, Người đã nhắc lại những ý nghĩ của mình trong giai đoạn này: “vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp “tự do, bình đẳng, bác ái…” thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những từ ấy”.

Giai đoạn này, ông Nguyễn Sinh Sắc đang hết sức quan tâm đến vận mệnh của đất nước. Nhưng làm thế nào để cứu nước thì ông vẫn chưa xác định được. Ông không tin hoạt động của những sĩ phu yêu nước lúc đó là có thể thành công. Tâm trạng này đã thể hiện trong câu đối mừng người bạn là Nguyễn Tài Tốn đậu cử nhân khoa bính ngọ (1906).

Ngô bối do hòe vi cức viện tiến thân, hiện tại chỉ khán đàm giáp ất.

Tiên công dĩ đại bút hùng văn minh thế tái sinh tằng phủ chí canh tân.

Dịch nghĩa:

Bọn ta từ chốn trường thi mà làm nên danh vọng, thế nhưng bây giờ đây chỉ ngồi bàn thứ tự cao thấp mà thôi.

Các bậc đời trước lấy bút mạnh văn hùng thức tỉnh đời, ví bằng có sống lại thì cũng khó làm nổi việc canh tân.

Vì thế ông không hành động theo một tổ chức nào. Kể cả phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, bạn chí thân của ông. Đây là ngã rẽ lối giữa Nguyễn Sinh Sắc và Phan Bội Châu. Hai ông cùng chung tư tưởng yêu nước và mục đích cứu nước, nhưng làm thế nào để cứu nước thì mỗi người suy nghĩ và hành động theo một hướng.

Nhờ ảnh hưởng tư tưởng của cha, kết hợp với sự nhạy cảm về chính trị của bản thân, Nguyễn Sinh Cung, đã biết từ chối con đường Đông Du ngay từ khi cụ Phan Bội Châu muốn đưa cậu sang Nhật Bản hồi tháng 7 năm 1906.

Vừa đoạn tang mẹ vợ, tháng 5 năm 1906 triều đình Huế lại đưa giấy về mời ông đi làm quan. Hết lý do từ chối, ông phải giã từ quê hương, lên đường nhận chức. Thời gian này thực dân Pháp đã đi sâu khai thác thuộc địa. Để thuận tiện chuyên chở những của cải thu mua, vơ vét, tước đoạt được ở Lào, ở Nghệ Tĩnh, chúng đã khuẩn trương làm đuờng Vinh – cửa rào, nối liền đường sắt Hà Nội – Vinh. Việc bị cưỡng bức phải đi phu làm đường Vinh – cửa rào, trấn ninh là một tai họa khủng khiếp đối với nhân dân Nghệ Tĩnh.

Với nỗi niềm thương dân vô hạn, trước khi ra đi ông Nguyễn Sinh Sắc chỉ để lại một ít ruộng cho con gái là Nguyễn Thị Thanh ở nhà cày bừa mà sinh sống. Còn nữa ông đem bán ấy tiền giúp cho những người dân trong làng có người ruột thịt đang phải đi phu. Hành lý của ông Nguyễn Sinh Sắc khi đi làm quan cũng nhẹ nhàng đơn giản như khi đi dạy học.

Khi chuẩn bị lên đường, có người bà con đến ngỏ ý xin đi theo để vừa chăm sóc ông, vừa để nương nhờ. Ông đã thành thật chỉ bảo: “anh ở nhà mà cày bừa làm ăn, tôi đi chưa chắc đã làm quan, nếu có làm quan chưa chắc đã làm quan lâu”.

Khi ông Sắc cùng hai con đi Huế rồi, nhân dân trong làng Kim Liên, làng Hoàng Trù và cả xã chung chự nói với nhau: “người ta đi làm quan để vinh thân, còn ông phó bảng đi làm quan là để che thân”.

Ơ kinh đô Huế hồi đó có lưu truyền một bài ca thể hiện sự kén chọn trong đám quan lại khi được bổ dụng:

“Nhất là bộ lại bộ binh

Nhì thì bộ hộ, bộ hình cũng xong

Thứ ba thì đến bộ công

Nhược bằng bộ lễ lạy ông tôi về”.

Triều đình Huế bố trí cho ông Sắc làm thừa biện ở bộ lễ, là một chức quan nhỏ.

Bộ lễ trong triều đình Huế những năm đầu thế kỷ 20 có năm chức năng: lễ nghi, học hành, thiên văn, bói toán và khen thưởng. Ông được Lê Trinh thựơng thư bộ lễ lúc đó bố trí trong nhóm quan lại phụ trách việc học hành. Mỗi tháng hai kỳ ông phải đến giảng đường Di Luân trường Quốc Tử Giám để theo dõi các cuộc bình văn, bình thơ.

Bằng thực tế cuộc sống trong đám quan trường đương nhiệm, bằng chính thực tế của bản thân mình đang phải chịu đựng, ông chua xót nói với các giám sinh rằng: “quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ” (quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ, lại càng nô lệ hơn).

Đó là thực chất cuộc sống quan trường mà những người như ông Sắc phải chịu đựng. Ông Sắc đã thẳng thắng nói ra. Đây là kết quả của một quá trình nhận thức suy ngẫm, tổng kết. Tư tưởng tiến bộ của ông đã phát triển từ thấp lên cao. Tất yếu sẽ đến chỗ đối kháng với chế độ phong kiến và thực dân đương thời. Chán ghét sự giả dối, đồi trụy của đám quan trường trong triều đình Huế và chán ghét nhân tình thế thái lúc ấy. Từ kinh đô ông đã gửi thư về quê nhà cho cháu Nguyễn Sinh Lý để khuyên răn con cháu giữ lấy nhân cách:

“…uy thế bất túc thị

xảo hiểm đồ tựa hại!

Giới chi, giới chi!”

Dịch:
Uy thế mạnh không đủ để dựa

Xảo hiểm là tự hại mình!

Răn đấy! Răn đấy!)

Tư tưởng tiến bộ, nhân cách cao thượng của cha đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đậm nét trong con người cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Cung.

Y nguyện muốn tiếp xúc với nền văn minh Pháp để tìm hiểu bản chất của nó ngày càng thôi thúc cậu. Tháng 5 năm 1906, cậu được cha đưa vào kinh đô Huế.

Trong khi đa số các nhà nho không muốn cho con cái vào học trường Pháp – Việt, vì vào đây phải học chữ Pháp, bỏ mất chữ nho là chữ ”thánh hiền”. Trong khi các sĩ phu yêu nước có người cực đoan cho rằng tiếng Pháp là ngôn ngữ của kẻ thù nên không muốn cho con cái theo học chữ Tây, chữ Quốc Ngữ. Ông Nguyễn Sinh Sắc lại cho con vào học trường tiểu học Pháp – Việt Đông Ba và trường quốc học Huế.

Đây là điều kiện tốt nhất để Nguyễn Sinh Cung không những chứng kiến thực trạng xã hội ở trung tâm đầu não của chế độ phong kiến triều đình nhà Nguyễn mà trực tiếp tiếp xúc với nền giáo dục Pháp nói riêng và nền văn minh Pháp nói chung.

Điều quan trọng là cậu đã thấy được là kẻ miệng nói tự do, bình đẳng, bác ái lại chính là kẻ đè nén, bóc lột, ức hiếp dân ta đủ điều.

Thực tế này sớm nhân lên trong lòng Nguyễn Sinh Cung chí căm thù giặc sâu sắc. Thời kỳ học tập ở kinh đô Huế, Nguyễn Sinh Cung ở chung với ông Nguyễn Sinh Sắc. Cho nên mỗi lời nói, mỗi việc làm hàng ngày của người cha thân yêu có tác động trực tiếp tới suy nghĩ và hành động của cậu.

Là người rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái, ông Sắc vẫn thừa nhận quan điểm “Phụ huynh bất năng cấm ước tử đệ” (cha mẹ không thể cấm đoán những ước mong của con cái). Ông đã từng bị thực dân Pháp khiển trách vì “hạnh kiểm của hai con trai ở trường quốc học đã nói trước mặt thầy giáo cũ những lời bài pháp trong dịp dân chúng biểu tình chống thuế 1908).

Tuy thế, ông vẫn dạy bảo con cái theo suy nghĩ và cách nhìn của mình.

Tư tưởng tiến bộ và nhân cách cao thượng hàng ngày của cha cùng những biến đổi lớn lao của xã hội Việt Nam trong những đầu thế kỷ 20 đã làm cho tư tưởng yêu nước và lòng căm thù giặc của Nguyễn Sinh Cung phát triển cao độ, thúc giục cậu đi đến những hoạt động cứu nước sôi nổi. Cậu đã tham gia phong trào chống thuế ở Huế. Chí hướng muốn đi ra nước ngoài để tìm đường cứu nước bắt đầu hình thành.

Cậu rời trường quốc học Huế, đi vào các tỉnh Nam để tìm cách đi ra nước ngoài.

Một ngày đầu tháng tư năm Kỷ Dậu (1909), ông Nguyễn Sinh Sắc tạm biệt kinh đô Huế lên đường vào tỉnh Bình Định làm giám khảo thi hương khoa kỷ dậu.

Không muốn để ông Sắc sống ở Huế, nơi có cơ quan đầu não của triều đình phong kiến nhà Nguyễn và bọn thực dân Pháp ở xứ Trung Kỳ, mặc dầu công việc tổ chức thi Hương ở Bình Định chưa xong, nhưng ngày 11 tháng tư năm kỷ dậu (29-5-1909) bộ lại đã có văn bản trình lên hội đồng nhà vua va khâm sứ trung kỳ bổ nhiệm ông Sắc chức tri phủ lĩnh nhiệm tri huyện Bình Khê. Hội đồng nhà vua và khâm sứ trung kỳ duyệt y.

Huyện Bình khê là một huyện nhỏ miền núi, nghèo nhất tỉnh Bình Định, nằm dưới chân đèo An Khê, được thành lập năm 1888, huyện lỵ đóng ở đồng pho. Ở đây, từ lâu có một số người Pháp cấu kết với các giáo sĩ ở tòa giám mục Gò Thị (Phước Sơn, Tuy Phước) đến đây chiếm rừng, cướp đất, gây nên sự chống đối quyết liệt của nhân dân. Trong phong trào đấu tranh chống thuế vừa qua, Bình Khê là nơi có phong trào đấu tranh của nông dân mạnh nhất tỉnh Bình Định. Ở đây cũng là địa bàn hoạt động của nhiều toán cướp.

Tình hình đó đã làm cho một số tri huyện tiền nhiệm mất chức, nhất là khi có sự can thiệp của hai tên sĩ quan Pháp là Coutelle (cu ten) và Stanger (stăng gơ) chỉ huy đồn đồng phó. Tháng 5 năm 1909 trong lúc ông Nguyễn Sinh Sắc đang chấm thi ở Quy Nhơn, hai tên này lợi dụng sự tranh chấp dất đai giữa một số nông dân với lý trưởng tuần đã làm cho tri huyện Phạm Lê Doãn bị xử phạt 40 roi, truất 6 tháng lương và ghi vào lý lịch, chuyển đi nơi khác.

Ngày 1 tháng 7 năm 1909, ông Sắc đến Bình Khê nhận chức tri huyện. Đến đây, ông Sắc ít khi có mặt ở huyện đường, mà thường đi thăm viếng dân chúng xung quanh huyện lỵ đồng phó. Khi đi, ông không cho lính lệ theo hầu. Có lần ông bỏ huyện đường đi chơi luôn mấy ngày, bị tên công sứ Quy Nhơn quở trách. Các tù chính trị, nhất là những người bị bắt trong phong trào chống thuế năm 1908, ông tìm cách thả ra. Phu đài tạp dịch để trễ nải, những vụ tranh chấp đất đai, ruộng nương ít khi xét xử mà khuyên họ tìm cách tự hòa thuận giải quyết với nhau, hòa hợp làm ăn mà sinh sống. Ông thường nói: ”nước mất không lo, lo tranh nhau cái bờ”.

Ông Sắc cực kỳ ghét bọn cường hào ác bá ở địa phương. Chúng dựa vào thế lực của người Pháp và bọn cha cố đạo Gia-tô để bức bách dân chúng. Ông không xét xử các vụ kiện cáo, tranh chấp của bọn này và đã bị bọn chúng tìm cách hãm hại.

Theo hồ sơ của mật thám Trung Ương thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương, tờ số A37801, toà Khâm sứ Trung Kỳ, thì ngày 17 tháng 1 năm 1910 ông bị triều đình Huế bắt giam vì tội “lạm quyền dẫn tới cái chết của Tạ Đức Quang”.

Tạ Đức Quang là một tên địa chủ cường hào, người thân của hai sĩ quan Pháp chỉ huy đồn Đồng Phó, làm đơn tố cáo dân chúng lên quan huyện Bình Khê. Ông Sắc thụ lý đơn, nhưng không xét xử ngay, mà để lần lữa ngày tháng trôi qua. Y làm đơn kiện thẳng lên tỉnh. Ông Sắc nổi giận, bắt y lên huyện đường đánh roi, rồi tha về. Hai tháng sau y ốm rồi mới chết. Vợ y là Tân làm đơn kiện lên triều đình Huế.

Ngày 19 tháng 5 năm 1910, Hội Đòng Nhiếp chính làm xong bản án ông mang số 140, ngày 27 tháng 8 năm 1910 bản án số 140 được triều đình Huế duyệt y. Ông bị kết án đánh 100 trượng, sau đổi thành giáng 4 cấp và bị triệt hồi.

Gần một tháng sau, ngày 23 tháng 9 năm 1910 bộ Hình có tờ trình lên hội đồng nhà vua và khâm sứ Trung Kỳ rằng:

“… Tuy xét ra không có tư tình thù oán gì khác, nhưng làm như vậy thật là trái phép. Viên tri huyện này là Nguyễn Sinh Huy (tức Sắc), vốn nên chiếu luật (có trình bày rõ) phải phạt giáng 4 cấp rồi chuyển đi xa. Nhưng lại xét Tạ Đức Quang bị đánh roi qua hơn hai tháng sau bị ốm chết chứ không phải bị đánh chết tức thì, tình có thể tha thứ. Xin đội gia ân đổi làm giáng 4 cấp mà lưu. Truy thu 10 lạng bạc cấp cho gia nhân người chết lo việc chôn cất.

… Lại xét viên tri huyện này mới ra làm quan, chưa tường dân chính, xin cho bộ lại tôi cải bổ kinh chức”. Nhưng ông Sắc không màng đến việc làm quan nữa, được trở về làm dân vốn là ý nguyện của ông. Ra khỏi nhà tù, ông cảm thấy thong dong, không hề vướng bận điều gì. Ông không trở về quê hương Kim Liên, mà đi thẳng vào Nam.

Trước đó một thời gian, trên đường dọc theo bờ biển, đi vào các tỉnh phía Nam, khi đến Quy Nhơn, Nguyễn Sinh Cung có lên Bình Khê thăm Cha. Thấy con trai đến Bình Khê, ông Nguyễn Sinh Sắc hỏi con:

– Con đến đây làm gì?

– Con đến đây tìm cha.

Nghe vậy, ông Sắc trìu mến nói với con:

– Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?

Cuộc gặp gỡ đó càng thôi thúc Nguyễn Sinh Cung ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Sau khi rời khỏi nhà tạm giam tại Huế, trên đường đi vào Nam ông Nguyễn Sinh Sắc có dừng lại ở Phan Thiết tìm Nguyễn Tất Thành. Nhưng Nguyễn Tất Thành không còn ở đây nữa. Theo sự chỉ dẫn của gia đình cụ Nghè Trương Gia Mô, ông đi thẳng vào Sài Gòn đến nhà ông Lê Văn Đạt ở xóm Rạch Bần (nay là số 185/1 đường Cô Bắc, Tp.Hồ Chí Minh). Tại đây ông đã gặp cụ Nghè Trương Gia Mô và gặp con trai Nguyễn Tất Thành.

Sáng sớm ngày 5 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, xuống tàu Đô Đốc Latouche Tréville, mở đầu cho quá trình đi sang phương Tây hoạt động tìm đường cứu nước.

Ông Sắc vào Sài Gòn đến ở chùa Linh Sơn, hàng ngày đi xem mạch kê đơn thuốc chữa bệnh cho dân ở hiệu thuốc Trường Thọ Viên và Tam Thiên Đường nằm trên đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tông).

Ông Nguyễn Sinh Sắc là niềm tin yêu thành kính trong suốt cả quá trình Nguyễn Tất Thành bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước. Nỗi nhớ cha không bao giờ nguôi. Rời tổ quốc chưa đầy 5 tháng, ngày 31 tháng 10 năm 1911, từ trên đất Pháp, Nguyễn Tất Thành viết lá thư đầu tiên nhờ người bạn đi tàu thủy mang về Sài Gòn, qua đường Bưu Điện chuyển đến tòa Khâm Sứ Trung Kỳ để nhờ giao trực tiếp cho ông Nguyễn Sinh Sắc.

Nội dung lá thư Nguyễn Tất Thành gửi Khâm sứ Trung Kỳ như sau:

“Ngày 31 tháng 10 năm 1911.

Kính gửi Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế.

Tôi ký tên dưới đây, Nguyễn Tất Thành, tức Sinh Cung, con ông Nguyễn Sinh Huy (tức Sắc),

nguyên Tri huyện Bình Khê.

Cha tôi và tôi xa nhau đã 2 năm. Tôi làm việc trên tàu Đô Đốc Latouche Tréville chạy đường Hải Phòng – Dunkerque. Tôi kiếm được số tiền nhỏ là 15 đồng. Tôi muốn gửi cho cha tôi, nhưng tôi không thể gửi ngân phiếu trực tiếp.

Vì vậy, tôi mạnh dạn xin ông vui lòng chuyển ngân phiếu này đến tòa Khâm sứ và trao lại cho cha tôi, để sống trong lúc túng quẫn.

Tôi mong rằng lòng hảo tâm của ông sẽ chấp nhận lá đơn của một người con muốn làm tròn chữ hiếu đối với cha tôi. Xin gửi tới ông lời chào thành khẩn sâu sắc.

Tất Thành

Trên tàu Đô Đốc Latouche Tréville”

Lá thư này được Soguy, chánh mật thám Trung Kỳ sao y bản chính và có chú thích. Số tiền ngân phiếu ghi trong thư trên 15 đồng đã được Văn phòng tòa Khâm sứ trao lại cho ông Nguyễn Sinh Sắc, đã ký nhận ngày 9-11-1911.

Năm 1912, ông Sắc trở ra Phan Thiết giải quyết một số việc cần thiết. Giữa đường ông bị bắt, nhưng xét ra không có chứng cớ cụ thể để buộc tội, nên bọn Pháp phải thả ông ra. Trở lại Sài Gòn, ông trú ngụ trong các chùa chiền và làm thuốc cứu dân ngóng đợi tin con.

Thời gian này ở tây bán cầu, tại New York, thủ đô nước Mỹ, nơi có tượng nữ thần Tự Do nổi tiếng, Nguyễn Tất Thành vừa lao động để sống, vừa chăm chỉ khảo sát, nghiên cứu thực tế xã hội Mỹ để hy vọng tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Hình ảnh về người cha thân yêu luôn luôn canh cánh trong lòng. Ngày 15 tháng 12 năm 1912 anh lấy tên là Paul Tất Thành viết thư gửi về nước hy vọng sẽ liên lạc được với cha.

“New York, ngày 15-12-1912.

Kính gửi ông Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế.

Tôi kính cẩn xin ông giúp đỡ cho một việc như sau:

Tôi rời xứ sở tháng 7 năm ngoái (1911) để lại cha già không nơi nương tựa. Tôi thường viết thư cho cha tôi, nhưng chỉ nhận được 2 lá thư trả lời. Tôi đã gửi cho cha tôi 3 ngân phiếu nhưng cha tôi trả lời là chỉ nhận được một lần, vì lần ấy ngân phiếu được giao quý ông và quý ông đã giao tận tay cho cha tôi. Bây giờ tôi không biết cha tôi như thế nào và ở đâu.

Tôi muốn gửi cho cha tôi một số tiền hàng tháng, nhưng không biết làm thế nào. Bây giờ tôi hoàn toàn không biết được địa chỉ của cha tôi, còn tôi theo nghề thủy thủ, luôn thay đổi chịa chỉ, chỉ biết nhờ quý ông giúp đỡ.

Ôi, tình hình của tôi nóng bỏng, sống xa cha mẹ, hiếm khi nhận được tin tức, muốn giúp đỡ mà không làm sao được.

Ông Khâm sứ kính mến. Tôi xin ông giúp đỡ tôi, cho tôi biết tình hình của cha tôi và cho phép tôi gửi đến tòa Khâm sứ những gì mà tôi muốn gửi cho cha tôi.

Hy vọng lòng tốt của ông không từ chối đơn của một đứa con muốn làm tròn nghĩa vụ đối với cha mẹ, chỉ có chỗ dựa lòng ông.

Paul Tất Thành

(con Phó bảng. Nguyễn Sinh Sắc)

Hòm thư lưu:số 1 đường Đốc đốc.

Coubet Le Havre, Pháp

Giữa năm 1913, một sự kiện bất ngờ xảy ra trong đời sống của ông Sắc. Lê Bá Cử nhận ông về làm cai phu đồn điền cao su Lộc Ninh, thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Lúc này các nhà tư sản Pháp đã bỏ tiền ra khai thác vùng đất trù phú ở miền đông Nam Bộ, tạo ra những đồn điền cao su rộng lớn như những cánh rừng.

Đồng bào nghèo đói được chiêu mộ về đây làm phu. Họ được bố trí ở thành từng khu trong những dãy nhà lụp xụp, tối tăm. Hàng ngày, họ phải dậy từ bốn giờ sáng, lo cơm nước xong để đến nơi làm việc trước khi mặt trời lên. Đến chiều tối mới được về. Nếu chậm trễ thì bị đòn roi và phạt tiền. Lương không đủ sống, bệnh sốt rét hoành hành, thuốc men thiếu thốn.

Bọn chủ lại quỷ quyệt cho họ tạm ứng lương trước, mà chúng biết là người phu không bao giờ trả nổi. Bọn chủ đã cột sinh mạng của người phu đồn điền vào gốc cây cao su. Hàng ngày, ông Sắc cùng với những người cai phu khác nhận lệnh của chủ đồn điền cắt đặt cho phu làm, rồi đôn đốc, kiểm tra. Ông Sắc đã được tận mắt chứng kiến cảnh cai phu hoạnh hoẹ, đánh đập phu để ăn tiền đút lót. Còn bọn chủ đồn điền thu không biết bao nhiêu là lợi nhuận, sống giàu sang trên mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của người phu. Thực tế phũ phàng đó làm cho ông Sắc càng đau lòng.

Sống ở đồn điền cao su Lộc Ninh chưa đầy 6 tháng, không thể tiếp tục công việc được nữa, ông về Sài Gòn để nghe ngóng tin tức về Nguyễn Tất Thành. Hàng ngày, ông lại đi xem mạch, kê đơn chữa bệnh cho dân. Đến bữa ăn thì ăn cơm vỉa hè quanh chợ Bến Thành với bà con lao động. Tối đến về ngủ ở chùa Sắc Tứ Từ An hoặc chùa Linh Sơn và đọc sách nghiên cứu thêm về đạo Phật.

Một hôm, ông tìm đến nhà ông Bùi Văn Tiêu, thường gọi là Ba Tiêu. Nhà ở đường Lagarandiére (nay là đường Lý Tự Trong). Ông Tiêu quê ở Bắc Kỳ, tham gia chống Pháp, bị bắt và bị an trí ở Sài Gòn. Ông mở tiệm giặt là. Nhà ông là nơi các thủy thủ làm ở các tàu thủy ngoại quốc đến thường xuyên để chuyển các tin tức, thư từ nước ngoài gửi về.

Thấy ông Sắc đến, ông Tiêu dè dặt báo tin: Mới đây thôi, cánh thủy thủ ở Châu Âu về có đồn đại về một người phụ bếp người Việt Nam bị bệnh chết lúc tàu đang chạy dọc bờ biển châu Phi, không biết quê quán người ấy ở đâu. Nhưng đây chỉ là đồn thôi. Nghe vậy, ông Sắc đứng lặng hồi lâu rồi cáo từ ra về. Dẫu biết là tin đồn, nhưng ông Sắc vẫn cảm thấy niềm hy vọng to lớn nhất của mình đã tiêu tan. Ông bần thần như người mất trí, cứ đi lang thang giữa đường phố Sài Gòn.

Đầu năm 1914, ông Sắc theo Lương Ngọc Quyến, con trai cụ Cử nhân Lương Văn Can bí mật đi sang Phnôm Pênh, thủ đô Campuchia để đàm đạo thế sự, tìm kế sách cứu nước với các nhà nho yêu nước, trong đó có cụ Lương Văn Can đang bị thực dân Pháp đày đi an trí ở đây. Ở nhà cụ Lương Văn Can được vài hôm, để tránh sự theo dõi của mật thám, ông Sắc chuyển đến ở chùa Sùng Phước.

Hơn một năm sau, khi ông Sắc đang ẩn náu trong các chùa chiền ở Phnôm Pênh ngày 3 tháng 3 năm 1915 tại khách sạn The Carten Pall Mall thủ đô Luân Đôn, Nguyễn Tất Thành lại viết một bức thư ký tên là Paul Thành, thông qua lãnh sự quán Anh ở Sài Gòn, nhờ Toàn quyền Đông Dương chuyển đến ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Theo bức thư của Đổng Lý văn phòng phủ Toàn quyền Đông Dương, Cha F.Fran gửi cho Nguyễn Tất Thành ngày 22 tháng 9 năm 1915 viết, mặc dầu chính quyền đã cố gắng tìm kiếm nhưng vẫn không biết được địa chỉ của ông Sắc nên bức thư nói trên không chuyển tới ông Sắc được.

Hơn bốn năm trời (1911 – 1915) rời tổ quốc đi sang tận châu Âu, châu Mỹ, châu Phi… Nguyễn Tất Thành không bao giờ dám lãng quên người cha kính yêu nên đã gửi nhiều lá thư và tiền về cho ông Nguyễn Sinh Sắc, nhưng ông Sắc chỉ nhận được có một lần.
Cuối năm 1915, ông Sắc rời Phnôm Pênh về Sài Gòn. Trước tiên ông đến hiệu giặt là của ông Ba Tiêu để tìm nghe tin tức mới về Nguyễn Tất Thành, nhưng không có.

Ông lại đi khắp vùng Bà Điểm, Hóc Môn và vùng Bảy núi ở An Giang với nghề làm thuốc. Với một tấm lòng thương dân, yêu nước, ông đã đến với mọi nhà. Từ những gia đình nghèo làm ruộng đến các điền chủ, quan lại yêu nước chống Pháp. Đến lúc này, dù tuổi đã cao, nhưng ông Sắc vẫn còn ham học. Ông đã đọc thông, viết thạo chữ quốc ngữ, bằng cách tự học. Ông bắt đầu học chữ Pháp. Ông tìm được quyển từ vựng Việt – Pháp (Vocabulaire Annamite – Francais) của F.Genibrel gói vào trong túi mang đi theo, gặp ai biết chữ Pháp thì hỏi.

Đầu năm 1917, tình cờ ông Sắc gặp Lê Quang Hiển tại nhà Diệp Văn Cương ở quận Gò Vấp, Sài Gòn. Lê Quang Hiển (1872 – 1950) là điền chủ yêu nước, quê ở Cao Lãnh đã từng ủng hộ nhiều tiền của cho phong trào Đông Du, được cấp bằng Đề Đốc. Lê Quang Hiển biết tiếng tăm Nguyễn Sinh Sắc từ ngày ông Sắc làm Thừa biện bộ Lễ ở Huế. Lê Quang Hiển có nhã ý mời ông Sắc đến thăm viếng quê hương Cao Lãnh, một niềm quê có truyền thống đấu tranh kiên cường, anh dũng, có nhiều nhà yêu nước nổi tiếng.

Về Cao Lãnh, ông Sắc đã đến thăm viếng miếu Trời Sanh, chùa Linh Sơn, chùa Kim Quang (Lâm Vồ)… giao lưu, bàn bạc thời cuộc với các nhà yêu nước trong vùng như Lê Chánh Đáng, Lưu Quang Bật, Nguyễn Quang Diêu…

Đến xã Hòa An (Cao Lãnh), ông Sắc tìm gặp Trần Bá Lê (tức Cả Nhì Ngưu) là người có nhiều tiền bạc ủng hộ phong trào Đông Du. Ông Sắc được Trần Bá Lê mời về ở hẳn trong nhà để dạy học và chăm sóc sức khỏe cho bà con trong vùng. Nhà Trần Bá Lê thường xuyên có người lui tới, không phù hợp với sinh hoạt của mình nên ông Sắc muốn tìm nơi ở khác. Trần Bá Lê đã dựng một ngôi nhà nhỏ trên bờ rạch Cái Tôm để ông Sắc ở. Cả hai ông đều tin tưởng, kỳ vọng vào lớp trẻ, tự cho mình có bổn phận phải dìu dắt, bồi dưỡng cho họ tiếp nối phấn đấu trên con đường cứu dân, cứu nước.

Nghe tin ông Nguyễn Sinh Sắc đang trú ngụ ở Cao Lãnh, Cử nhân Võ Hoành, quê ở Thanh Trì, Hà Đông, một yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục bị thực dân Pháp đày an trí ở Sa Đéc, cũng tìm đến gặp gỡ, bàn bạc công việc cứu nước.

Cuối năm 1919, ông Sắc về lại Sài Gòn. Trước tiên ông Sắc ghé vào tiệm giặt là của Ba Tiêu. Thấy ông Sắc đến bất ngờ, Ba Tiêu mở tủ, lấy từ dưới chồng quần áo ra một tờ báo Nhân Đạo. Ở trang nhất có đăng “ Bản yêu sách của nhân dân An Nam”. Cuối bản yêu sách có đề: “Thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước – Nguyễn Ái Quốc”.

Ba Tiêu phấn khởi chỉ vào chữ “ Nguyễn Ái Quốc” rồi nói: Bác có biết người này là ai không?

Ông Sắc sửng sốt, chưa kịp nói gì, Ba Tiêu giọng tin tưởng nói tiếp: Đó là người mà mấy năm trước có tin đồn là đã chết trên tàu khi đang chạy dọc bờ biển châu Phi. Bây giờ đang hoạt động sôi nổi và có uy tín lớn ở thủ đô Paris. Ngồi lặng hồi lâu, ông Sắc đứng dậy vỗ vai Ba Tiêu nói:

– Cảm ơn anh nhiều lắm. Anh cho tôi xem tờ báo này, nhưng chính anh đã cho tôi cái phao cứu sống tôi như người sắp chết đuối đã mấy năm nay.

Tạm biệt Ba Tiêu, ông Sắc ung dung cất bước đi dọc bờ sông Sài Gòn. Dòng sông đã chở bao nhiêu tin yêu và kỳ vọng của ông. Ông Sắc thấy sức lực như được hồi sinh. Ông lao vào hoạt động theo cách của mình. Ông liên lạc với các nhà yêu nước trước đây để cổ vũ, động viên họ làm sao duy trì được phong trào đấu tranh liên tục để chờ cơ hội thuận lợi khi nào phe “chống đối” nhà nước Pháp đứng lên đảo chính, thì bên này nhân dân Việt Nam nổi dậy lật độ ách thống trị của bọn thực dân Pháp.

Nguyễn An Ninh là con của nhà yêu nước Nguyễn An Khương, quê ở Hóc Môn, Sài Gòn, du học Pháp. Thời kỳ học tập ở Pháp, Nguyễn An Ninh đã liên lạc với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc. Sau đỗ cử nhân luật, Nguyễn An Ninh đi tìm hiểu một số nước châu Âu, về nước năm 1922.

Sau khi về nước Nguyễn An Ninh ra mắt công chúng ở Sài Gòn bằng nhiều buổi diễn thuyết chống thực dân Pháp tại hội Khuyến học Nam Kỳ, được quần chúng hết sức hoan nghênh. Từ khi Nguyễn An Ninh về nước, ông Sắc đã nhiều lần tiếp xúc bí mật. Nguyễn An Ninh rất quan tâm tới những ý tưởng và hoạt động của ông Sắc. Thực dân Pháp quan tâm đặc biệt và bố trí cho mật thám theo dõi mối quan hệ giữa hai người.

Năm 1923, ông Sắc ra Phan Thiết sau hơn mười năm xa cách. Thời gian ở Phan Thiết, ông Sắc bị ốm phải vào điều trị tại bệnh viện, nằm số giường 57 N, cũng bị mật thám phát hiện. Ngày 9-11-1923, chúng đánh bức điện số 22S báo cáo với Khâm sứ Trung Kỳ biết trong thời gian điều trị tại bệnh viện, ông Sắc vẫn thường xuyên liên lạc với các cựu chính trị phạm trong vụ nổ bom Hà Nội và các sĩ phu yêu nước quê ở Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp đày vào đây.

Đặc biệt chúng đã nắm được một kế hoạch bí mật của ông Sắc là nếu được ra viện, ngày 9 tháng tới (tức là ngày 9-12-1923), ông sẽ có mặt tại Thủ Dầu Một để chuẩn bị vượt biên. Chúng xin Khâm sứ Trung Kỳ cho chỉ thị cụ thể nên bắt ngay vào lúc vừa xuất phát hay chọn một thời điểm thuận lợi để tóm gọn toàn bộ.

Một ngày sau, ngày 10-11-1923 Khâm sứ Trung Kỳ đã đánh bức điện số 861 SG trả lời xác nhận:

“Những tin tức về Nguyễn Sinh Huy tức Sắc (hồ sơ A3760) đều đúng khớp” và chỉ thị: “Cần theo dõi chặt chẽ”.

Ngày 1 tháng 12 năm 1923 Chánh mật thám Arnoux gửi cho Sở mật thám Đông Dương báo cáo số 867SG.

Sài Gòn ngày 1-12-1923.

Nguyễn Sinh Huy (tức Sắc) đã đến Sài Gòn chiều tối ngày 29 tháng 11 năm 1923. Ông đến nhà người thợ giặt ủi quần áo quê ở Bắc Kỳ tên là Bùi Văn Tiêu (tức Ba Tiêu), đường Lagran Diêre. Nhà Ba Tiêu không có chỗ ngủ nên ông Huy đến ngủ tại nhà người em trai của Ba Tiêu tên là cậu Tám cùng phố. Sáng 30-11, ông Huy ra đi không biết đi đâu và bao giờ trở về. Chờ đến 16 giờ ông ta cũng chưa trở lại. Theo Ba Tiêu ông ta tính ở lại Sài Gòn ít lâu.

Chánh mật thám Arnoux

Cuối năm 1925, Phan Châu Trinh từ Pháp trở về Tổ quốc, được đông đảo nhân dân Sài Gòn, nhất là tầng lớp nhân dân lao động và thanh niên nồng nhiệt đón tiếp. Ông Nguyễn Sinh Sắc là người đến gặp Phan Châu Trinh trước tiên vì nóng lòng muốn biết cụ thể thực tình về Nguyễn Ái Quốc.

Tại số nhà 34 đường pellerin, nơi Huỳnh Đình Điển cho Phan Châu Trinh trú ngụ, hai ông Phó bảng đồng khoa mang nặng nỗi ưu tư về tương lai của non sông đất nước cùng dốc bầu tâm sự, sau hai mươi năm xa cách người ở phương Tây, kẻ ở phương Đông. Nghe Phan Châu Trinh kể một cách tường tận quá trình hoạt động đấu tranh anh dũng và trưởng thành nhanh chóng vững vàng, sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp với một lòng ngưỡng mộ, tin tưởng, khiến Nguyễn Sinh Sắc cảm động và rất phấn khởi.

Ngày 24 tháng 3 năm 1926, Phan Châu Trinh tạ thế ở Sài Gòn. Nhân dân cả nước ta, nhất là tầng lớp thanh niên hết sức xúc động, thương tiếc. Ông Nguyễn Sinh Sắc đã tỏ lòng thương tiếc và ca ngợi công lao hoạt động cứu nước của Phan Châu Trinh bằng đôi câu đối viết trên một tấm vóc đỏ, đến viếng, nội dung như sau:

“Nam quốc dân quyền tiên tổ chức,

Tây phương tịnh độ hậu siêu sinh”.

Nghệ An Phó bảng Nguyễn Sinh Huy bái phúng.

Tạm dịch nghĩa:

“Trước tổ chức dân quyền ở nước Nam

Sau siêu linh tịnh độ ở Phương Tây”.

Thường ngày, Nguyễn Sinh Sắc gần gũi anh em thanh niên, nhất là những thanh niên có nhiệt tâm yêu nước, đang hăm hở tìm đường cứu nước. Ông là niềm tin yêu thành kính, là nguồn động viên lớn đối với họ.

Đồng chí Lê Mạnh Trinh, một cán bộ cách mạng lão thành kể: “Tôi được gặp cụ Bảng Sắc, khi cụ ấy đã ngoài 60 tuổi, người xương xương, nước da ngăm ngăm đen, hai gò má cao, với bộ râu không dày, không thưa. Cụ luôn luôn mặc bộ quần áo bà ba đen. Phong cách con người phong sương khí cốt. Cụ thường gần gũi với anh em thanh niên. Thường khi cụ đến nhà chúng tôi ở, chúng tôi thường gọi cụ bằng “Bác”. Một hôm tôi đến hiệu thuốc Phúc Sinh Đường gặp cụ, cụ hỏi:

– Mày đến đây làm gì?

– Thưa, lâu ngày cháu đến thăm Bác.

– Mày đến đây thăm tao, tao cũng thế này. Chẳng đến thăm, tao cũng thế này. Chúng mày đang tuổi thanh niên phải học hành và làm việc. Đến thăm tao có ích gì?

Cụ ít nói, nhưng thanh niên chúng tôi cảm thấy cụ có một tình yêu sâu sắc đối với mình”.

Vào khoảng tháng 9 năm 1926, trước khi rời Sài Gòn, bí mật sang Quảng Châu dự lớp Thanh niên cách mạng đồng chí hội, đồng chí Lê Mạnh Trinh đến chào tạm biệt ông Sắc. Thông qua Lê Mạnh Trinh, ông Sắc căn dặn người con trai của mình là Nguyễn Ái Quốc: “Cháu ra đi cố gắng. Bác nghe nói Quốc, đang ở Quảng Châu, Cháu gặp thì nói Bác vẫn khỏe, đừng lo, cứ cố gắng làm việc… trung với nước tức là hiếu với bác”.

Nghe lời ông Nguyễn Sinh Sắc dặn người con trai của mình đang ở xa tổ quốc, làm chúng ta nhớ lại lời dặn của Nguyễn Phi Khanh đối với Nguyễn Trãi cách đây gần sáu trăm năm trước khi qua ải Nam Quan để sang Yên Kinh, Trung Quốc.

Tháng 8 năm 1927, khi đang ở chùa Linh Sơn, Sài Gòn, ông Sắc bị ốm nặng. Ông có báo tin cho con gái là Nguyễn Thị Thanh, hiện đang bị thực dân an trí ở Huế vì tội hoạt động chống thực dân Pháp. Cô Thanh rời Huế, vào Sài Gòn thăm cha. Cô được Phan Trọng Bình đưa đến chùa Linh Sơn. Thấy cha quá tiều tụy, cô xin rước về Huế để nuôi dưỡng. Ông Sắc nói: “Thân con bị quản thúc, con lo còn chưa xong, làm sao lo cho cha được”. Cô Thanh khóc lóc năn nỉ mãi. Ông Sắc vẫn không lay chuyển. Sau đó cô Thanh phải một mình trở lại Huế.

Một ngày đầu tháng 4 năm 1928, Nguyễn Sinh Sắc đến Cao Lãnh. Vào ở nhà ông Hương Chủ Sành được vài tuần, ông dời đến ở nhà ông Năm Giáo, một nông dân nghèo góa vợ trên bờ rạch Cái Tôm. Từ ngày ông Phó bảng về ở đây, cảnh gia đình ông Năm Giáo trở nên ấm áp, đôi bạn già sống bên nhau rất tâm đắc.

Hàng ngày, buổi sáng ông Nguyễn Sinh Sắc đi bộ ra chợ Cao Lãnh đến hiệu thuốc Hàng An Đường xem mạch, kê đơn, trị bệnh cho đồng bào. Buổi chiều ông thường ở nhà làm thuốc cao đơn hoàn tán hoặc nhờ người bơi xuồng đưa đi thăm bệnh hay đi thăm bạn bè đàm đạo việc cứu nước. Phong cách giản dị, tấm lòng thương dân của ông Sắc đã sớm chinh phục được tình cảm của bà con quanh vùng.

Việc ông Nguyễn Sinh Sắc trở lại Cao Lãnh sinh sống và hoạt động yêu nước, mật thám Pháp có báo cáo mật với Thống đốc Nam Kỳ như sau:

Cảnh sát Đông Dương Nam Kỳ.

Công văn mật số 1416S

Sở mật thám. Sài Gòn, ngày 12-5-1928

Riêng cá nhân và mật

Kính gửi: Ông Thống đốc Nam Kỳ ở Sài Gòn.

Đồng gửi các ông:

– Chánh giám đốc cảnh sát và Tổng mật vụ Hà Nội.

– Công sứ các tỉnh Vĩnh Long, Rạch Giá, Cần Thơ và Bến Tre.

– Ủy viên đặc nhiệm chỉ huy các đội lưu động Vĩnh Long.

Tin do đội trưởng đội lưu động Vĩnh Long cấp.

Tiếp theo công văn mật số 1142 S ngày 13-4-1928.

Nguyễn Sinh Huy, bố đẻ của Nguỵễn Ái Quốc hiện ở nhà tên Năm Giáo, làng Hòa An (Cao Lãnh) từ ngày 16-4-1928. Ông ta sống ẩn náu tại đây, khi có dịp đi làm thầy lang chữa bệnh.

Ở làng Hòa An, có một nhóm chống Pháp, trung thành với Nguyễn Ái Quốc và có mối liên lạc với Đảng Đỏ ở Quảng Châu. Trong những người tham gia nhóm này có những tên Lê Chánh Đáng, Hương Chủ Sành, Hương Trưởng Đê, Phó Hương Quản Đê, Nguyễn Văn Biển (tức Thót) và Trần Kim Ngô tức Sáu Nhỗng.

Tôi yêu cầu ông ủy viên đặc nhiệm chỉ huy các đội lưu động theo dõi chặt chẽ bố đẻ của Nguyễn Ái Quốc cũng như người hay lui tới gặp ông ta.

Chánh mật thám”

Thấy ông hay đi đó đây, có người hỏi: “Thưa ông, nhà ông ở đâu? Quê ông ở đâu? Ông trả lời: “Nước mất nhà đâu còn! Nước mất, quê đâu còn?.

Lần theo dấu chân của ông khắp Nam Bộ, ta thấy những địa phương ông đến thường là nơi có người hoạt động yêu nước tích cực, có phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ. Ví như ở chùa Giồng Thành, quận Tân Châu (An Giang) có Hòa Thượng chủ trì chùa năm 1930 đã trở thành Đảng viên của chi bộ cộng sản đầu tiên ở đây; ở xã Nhơn Hưng, xã Thái Sơn (Tịnh Biên, An Giang), năm 1930 có liên chi bộ Đảng mạnh nhất vùng, xã Vĩnh Kim (Mỹ Tho – Tiền Giang), năm 1940 là quê hương của Nam Kỳ khởi nghĩa.

Hoạt động yêu nước, nghĩa cử thương dân của ông đã phát huy mạnh mẽ truyền thống đạo lý làm người trong nhân dân. Đã gieo mầm cách mạng cho các địa phương tăng trưởng mau lẹ.

Nhân dân ngày càng yêu thương quý trọng ông. Không phải chỉ vì một thầy thuốc giỏi, học rộng, giàu lòng thương người, mà còn là một nhà yêu nước chân chính.

Mùa nước lũ năm Kỷ Tỵ (1929) vừa hạ, ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lâm bệnh. Nhân dân địa phương hết lòng cứu chữa nhưng bệnh không thuyên giảm. Đêm 26 rạng ngày 27 tháng 10 âm lịch, ông Sắc nhờ người đỡ dậy, nói chuyện với các ông Năm Giáo, Lê Chánh Đáng, Hai Thiện và Bảy Mân. Ông đưa số tiền của mình trên 150 đồng nhờ bà con mua quan tài khâm liệm. Ông chỉ tay ra sân bảo để quan tài ngoài ấy tế liệm rồi đưa đi chôn.

Sáng ngày 27, ông đưa cho ông Lê Chánh Đáng một tập thơ chữ Hán bảo nhờ ông cử Hoành đưa cho cô Nguyễn Thị Thanh và tặng ông Lê Chánh Đáng một toa thuốc bí truyền. Rồi ông lịm dần, đến trưa thì trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 63 tuổi.

Chiều hôm đó bà con bên chợ Cao Lãnh đã chở đến một quan tài loại gỗ tốt, được sơn son đàng hoàng và đồ khâm liệm. Bà con quanh vùng đều vô cùng thương tiếc, đã đưa hương hoa đến điếu phúng và thay nhau túc trực bên linh cửu ông.

Ông Năm Giáo, bàn với em là ông Sáu Học: “Ông Phó bảng có duyên thân với dòng họ mình nên ông bà xui khiến ông về đây ở với anh. Theo phong tục thì tử đâu táng đó. Ông Phó bảng cũng muốn được chôn cất ở đây. Anh muốn để ông Phó bảng nằm phần đất của chú gần chùa Hòa Long (miếu Trời Sanh).

Ông Sáu Học chấp thuận lời anh. Lễ an táng ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được nhân dân xã Hòa An, thị trấn Cao Lãnh cử hành trọng thể. Các ngày tuần tiết được ông Năm Giáo và bà con làm đúng thủ tục địa phương.

Dưới thời thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm chiếm miền Nam, biết ông Phó bảng là người yêu nước, thương dân và là thân sinh của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, bọn chúng và bè lũ tay sai đã dở đủ trò để phá ngôi mộ ông. Nhưng nhân dân vùng Cao Lãnh đã quyết tâm và khôn khéo bảo vệ được chu toàn.

Sau khi đất nước sạch bóng quân thù. Tổ Quốc thống nhất, để giữ trọn tình nghĩa sâu nặng với ông, người đã có công lớn sinh ra Chủ Tịch Hồ Chí Minh, người gieo mầm cách mạng cho vùng đất Cửu Long, ngôi mộ ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được xây dựng lại trên vị trí cũ khang trang, đẹp đẽ. Ngày 18 tháng 2 năm 1977, đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã long trọng làm lễ khánh thành.

Huyện Lấp Vò: Đi tỉnh lộ 23 đến ngã ba rẻ trái vào tỉnh lộ 944.

Phà An Hòa: Vào Tp. Long Xuyên của tỉnh An Giang theo con đường Lý Thái Tổ – Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cưng.

Qua cầu Hoàng Diệu: (nằm trên đường Trần Hưng Đạo)

Qua cầu Trần Hưng Đạo: (hay còn gọi là cầu Quay)

Qua cầu Chắc Cà Đao:

Qua bến đò Trà Ôn: đến điểm tham quan khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Nguồn: Sưu tầm
Đăng ký Online

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here