Trang chủ TÀI LIỆU DU LỊCH Cây me trong tâm thức văn hóa của người chăm

Cây me trong tâm thức văn hóa của người chăm

2554
0
Chia sẻ

CÂY ME TRONG TÂM THỨC VĂN HÓA CỦA NGƯỜI CHĂM

Vâng. Văn hóa Chăm là một hệ thống đồ sộ liên quan đến những sản phẩm có giá trị cả về vật chất và tinh thần của người Chăm. Nên không thể bằng một quyển sách, một bài viết mà ta hiểu hết được về văn hóa của một dân tộc được. 

Trong du lịch, nếu là hướng dẫn viên phương Nam thì chắc chắn dân tộc Chăm là dân tộc bạn sẽ gặp nhiều nhất trong số các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đâu đó tôi từng nghe một vài lời đồn về cây me trong văn hóa của người Chăm được một số anh em truyền tai nhau để giải thích cho khách. Tôi không bác bỏ cũng không điều chỉnh mà chỉ hệ thống và định vị lại để chúng ta hiểu chuẩn xác nhất về cây me trong tâm thức của người Chăm như thế nào. 

Ai bác bỏ triết học duy vật thì kệ họ, nhưng chúng ta không thể bác bỏ hoàn toàn lý thuyết vật chất. Vật chất quyết định ý thức và các quy luật duy vật biện chứng. Trong văn hóa cũng vậy, người nghiên cứu văn hóa cũng căn cứ trên điều kiện vật chất để tính toán con đường vận động của một thành tố văn hóa, thậm chí là của một nền văn hóa. Cho nên, điều kiện vật chất là cái quan trọng của việc hình thành văn hóa. Và trong văn hóa học, điều kiện tự nhiên quy định rất rõ ràng các thành tố văn hóa được tạo ra.

Cho nên: Người Chăm cũng vậy. Họ được tạo ra trong lịch sử bởi một hệ thống văn hóa riêng biệt và có sự liên quan mật thiết đến những cộng đồng khác nhau. Trong bài này chỉ bàn về vị thế của cây me trong tiềm thức của người Chăm. 

Người Chăm, là một dân tộc phổ quát và đa số trong vương quốc liên bang Champa ngày xưa. Và đã có thời kỳ phát triển rực rỡ để biến Champa thành một đế chế mà đến mức Angkor cũng phải kiêng nể vài phần. Nhưng trải dài theo hàng loạt dữ kiện lịch sử, đến bây giờ, họ là một trong 54 dân tộc anh em Việt Nam chúng ta, và định cư tập trung từ Nam Trung Bộ về đến Nam Bộ. Việc phân chia người Chăm theo nhiều hướng khác nhau nhằm làm sáng tỏ nhiều mục đích khác nhau của người nghiên cứu.

Trong bài mạn bàn này, tôi chỉ dừng lại việc phân chia theo khu vực và chọn Chăm Phan Rang – tức Chăm Panduranga làm đối tượng để làm nổi bật lên vấn đề mà thôi. 

Tôi nghe đâu đó anh em từng đồn đoán rằng, người Chăm trông nhiều cây me là vì họ sợ ma ở và cú đậu.

 Ừ cũng đúng. Cây me có lẽ là loài cây khá quen thuộc với người Chăm Paduranga, còn hơn cả cây tagalau. Và cũng như cây Campa của Chăm vùng Indrapura và Amaravati xa xưa kia. Ngày xưa, đi khắp các ngỏ ngách của các palei Chăm, đi đâu cũng thấy cây me cả. Urang Chăm trồng me ở mọi nơi. Họ trồng trong sân nhà, trồng ngoài đồng thổ để làm ranh giới phân biệt đất nhà này với đất nhà kia, trong bên các giếng Chăm (Bingun), rồi trồng làm hàng rào, bờ giậu, đến nỗi trên tháp Chăm họ cũng trồng. 

Theo truyền thống văn hóa Chăm, người Chăm quan niệm rằng những cây lá to và tàn rộng là những nơi mà ma quỷ thường thích trú ngụ, nên bản thân người Chăm không trồng những cây tán rộng và lá dày bao giờ. Đó là chuyện của truyền thống, cái gì mà không biến đổi. Ngày nay, tôi đi các palei Chăm để thăm viếng, để ăn nhậu và vui chơi cùng các bạn Chăm. Thi thoảng tôi vẫn thấy những cây tán rộng trong nhà Chăm bây giờ, nhưng đấy cũng chỉ là số ít, họ vẫn thích me và me. 

Hỏi ra thì các cụ già bảo vì me tán nhỏ, ma quỷ không ở. Vâng, con người ta càng muốn níu giữ một thành tố văn hóa nào đó để nó không rơi vào dĩ vãng, con người ta thường chọn thần thánh hóa nó, hoặc tâm linh hóa nó lên để nó còn mãi với thời gian. Nhưng thật ra, đó là cách giải thích ngô nghê của những người nông dân chân chất, hiền hòa và họ ít học khoa học hiện đại, họ sẽ đi giải thích như thế. Tôi biết cách giải thích ấy là mê tín nhưng tôi vẫn vui mừng, vì nhờ tâm linh hóa cây me, mà đến ngày nay, cây me vẫn chưa triệt sản với thời gian.

Và tôi hạnh phúc khi các cụ già người Chăm đã giải thích theo hướng như thế, chỉ có cách đó mới bảo tồn được me mà thôi, và dù cách ấy chỉ là vô tình và ngô nghê, nhưng nó vẫn để cho cây me còn mãi với thời gian, để những di sản đi theo cây me vẫn mãi còn. 

Thế vì sao người Chăm lại trồng nhiều cây me đến thế nhỉ? 

Ừ, đơn giản, cái khí hậu vùng Panduranga nó bắt buộc phải trồng cây me. Đơn giản là như thế. Ở cái xứ hạn hán ấy, trông cây gì cũng cần nước, và cây gì cũng khó sống được. Chỉ có cây xương rồng là không trồng mà hắn cũng cứ mọc phà phà. Không liên quan, gai xương rồng chích nhức lắm đấy bạn. Tôi bị đâm một lần mà cương mủ đến đi cà nhắc mấy hôm đấy. Cái xứ lạ kỳ, toàn loài đau đớn và chua cay. Nó cũng giống lịch sử của người Chăm bạn nhỉ. Hì hì. Cây me là loài cây chịu hạn rất tốt bạn ạ, không cần tưới nước đâu nó cũng phát triển được. 

Trồng cây me để lấy bóng mát là trước tiên. Vì nó sống được trên đất hạn mà, phải trồng nó thôi. Và từ cái bóng cây đó, me cho lá, cho quả, và những di sản theo cây me lại làm nên một bản sắc văn hóa của Chăm đấy bạn ạ. Cây mẹ ngó vậy chứ nó quan trọng trong tâm thức của người Chăm lắm bạn à. 

Năm nào mà mưa nhiều, năm đó lá me ít chua. Năm nào mưa ít, lá me vàng và ít xanh hơn thì năm đó lá me chua hơn và ăn sẽ ngon hớn. 

Có nghĩa là cây me có vị chua nha, và ẩm thực chua là ẩm thực đặc trưng của vùng nóng. Đấy bạn thấy môi trường tự nhiên quy định văn hóa chứ. Giống như miền tây, ăn canh chua hoài luôn, lúc nào cũng ăn lẩu chua, nhớ không? 

Xứ nóng ăn chua vì vị chua sẽ làm mát cơ thể, giúp thanh nhiệt, giảm mỡ và phù hợp với khí hậu địa phương. Người Chăm cũng đâu có khác biệt đâu,. Họ cũng ở vùng nóng, họ ăn nhiều khẩu vị chua là đúng rồi, chua thì lấy gì giờ? Xứ này không nhiều lá giang đâu nè, xứ này đến lá khế cũng cháy chứ đừng nói là trái khế. À há, vậy thì lá me kia kìa, đầy các ngỏ ngạch kia kìa. Đấy, me từ việc che bóng mát chuyển vào góp phần tạo nên ẩm thực hằng ngày của người Chăm rồi đó. Quan trọng là nếu không vì công dụng ẩm thực này, và không vì câu chuyện cây me quỷ không ở, chắc đã xa rồi cái thời những bóng me. 

Vậy me đóng góp gì cho ẩm thực Chăm đây ta? 

Người Chăm, tôi phải công nhận họ là bậc thầy trong việc khai thác lá và trái me trong ẩm thực. Nhiều bạn đọc đến đây, sẽ nói “thằng này lại quăng bom” chứ gì. Bởi cây me có gì xa la với người Việt đâu. Người Việt cũng làm khối món từ me đấy, lá me nấu chua canh, rồi trái me chín ăn tươi, trái me sống hoặc nấu chua hoặc là là làm me chua ngâm đường. Ngày tết ăn thì thôi ngon bá cháy, rồi làm mứt me, me rim, me ngào ớt… Đúng rồi, vấn đề là người Việt ta làm được những món đấy thì nghĩ là nhiều.

Không phải đâu, người Chăm làm được mấy món đó hết, thậm chí làm ngon hơn nữa kìa. Và vấn đề là ngoài những món đó được làm từ me, người Chăm còn làm được nhiều món hơn người Việt. Thế chẳng phải họ là bậc thầy à. Công nhận nha. Không công nhận thì mình thuyết phục bạn phải công nhận những món ăn từ cây me nha .

Người Việt mình làm được mắm me, người Chăm cũng làm được mắm me. Nhưng người Việt lấy trái me chua nấu nước cho nó chua thiệt là chua rôi trộn với mắm, thêm gia vị là thành mắm me. Người Chăm chơi khác hơn, lạ hơn, làm mắm me từ trái me là thường quá. Chờ chút, tôi chạy ra đầu nhà bứt vài cái đọt me đem vô giã nhuyễn rồi thêm gia vị, là có món mắm đọt me ngon thánh thần. Ngon lắm bạn ạ, món ấy ăn mùa nào cũng ngon, ăn với cái gì cũng ngon, thề đấy. Và bạn hãy nhớ cái đọt me rất dễ tìm trong làng Chăm. Và những đọt me non luôn được quan tâm hàng đầu trong văn hóa ẩm thực Chăm nha ^*^ 

Bạn thấy canh chua nấu cá đúng không. Chăm cũng biết làm món đó, mà quan trọng hơn là cá mà họ đem kho chua nữa kìa. Ừ, người Việt mình cũng có, nhưng mình lấy cá kho khóm, còn Chăm kho với me bạn ạ. Chuẩn luôn, ngoài đó làm gì có khóm mà kho, và thể là trái me lại chui vào nồi kho của Chăm. Và từ đây, tầm quan trọng của me lại tăng lên trong tâm thức của người Chăm. 

Có ai từng đi offline câu lạc bộ HDV năm 2014 chắc còn nhớ mình ăn món canh dê chứ. Cái món canh mà nhà anh Ngà nấu đãi mình ấy. Mình cá là bây giờ người ta đã quên tên món ấy rồi. Mình nhớ có bạn còn kêu món đó là cháo nữa mới buồn. 
Không phải, đó là canh, gọi là Canh Aia kanut (món canh được nấu bằng những động vật 4 chân, hiểu nôm na vậy đi). Ngoài ra, người Chăm cũng có một món canh nữa, và nấu bằng động vật có 2 chân gọi là canh Aia raneng. 

Để nhắc cho anh chị em nhớ lại cái món mà hồi mình ăn đó. Khi nấu món đó, người Chăm lấy gạo ngon đem rang lên cho có mùi thơm, sau đó đem đi giã cho nó nhuyễn nhuyễn thành bột. Khi nấu canh, để cho nó sôi lên, thịt chín rồi, nghe mùi thơm rồi thì nêm nếm gia vị vừa ăn. Vấn đề là phải thêm mấy lá me non cho nó nổi lềnh bềnh trên nồi canh thid aia kanut mới gọi là ngon.

Canh ngon là canh dẽo dẽo keo keo (do có bột gạo mà), ngon là khi dê không bị dai, và ngon là đang ăn mà bị bà cậu đồ hốt phải một lá me non đang bơi tung tăng trong chén canh là ta nói nó chua lên tận mang tai, nước miếng nó trào ra và khi đó vị giác ta mới tiếp tục thăng hoa và thưởng thức được canh chứ.

Đấy, canh này một vài bạn đi off đợt đó kêu là cháo. Mà nếu như bạn nghĩ là cháo thì bạn có thấy nó đặc biệt không, cháo gì mà lại nêm lá me chua hả trời. Chỉ có Chăm mới làm điều đó mà thôi, vấn đề là nó ngon mới chịu chứ. 

Nếu bạn mà để ý, hoặc bạn về làng Chăm chơi vài tuần, vài tháng, vài năm. Chăm mà đã thương bạn rồi, quý bạn rồi thì Chăm sẽ đãi bạn hàng trăm món ngon xứ Chăm luôn, và nó “ngon thánh ngon thần”, thật sự vậy. Và khi đó bạn sẽ để ý người Chăm lúc nào cũng ăn mắm me (món mắm me giống người Việt) và nấu món gì cũng có vị của me trong đó, không ít thì nhiều. Phải rồi, xứ nóng thì ta phải ăn me, thế thôi. Hehe.

Cây me trong tâm thức của người Chăm nó gắn liền từ thưở vừa lọt lòng mẹ cho đến khi về với chuyến đi buôn tiếp theo. 
Khi còn nhỏ, các em bé Chăm chơi đùa những trò chơi truyền thống dưới những tán me. Me có trái già rồi chín lại là món ăn chơi của các em bé thơ hay trốn mẹ đi chơi những trưa oi ả. Đôi ta yêu nhau ngồi dưới bóng me và ước mơ về những đứa trẻ. Rồi chết đi cũng thấy cây me ngoài nghĩa trang của Chăm. Rồi lá me non, trái me non, trái me già, trái me chín lại vào bữa ăn hằng ngày của người Chăm. Nào là món canh, món cháo, món kho, món xào, rồi món mắm nêm cũng có me trong đấy luôn. 

Vậy nên ta mới nói, cây me trong tâm thức của người Chăm là một thành tố văn hóa truyền thống không thể tách rời và xóa bỏ được bạn à.  Còn có bạn nói trồng cây me để không cho cú đậu, không phải, người Chăm không sợ cú như người Việt chúng ta đâu. Trong thần phả Bà-la-môn có vị thần lá hóa thân của con chim cú đó bạn. 

Nguồn: FB – Đoàn Vũ Thanh Hoàng

Xem thêm nhiều tài liệu thuyết minh khác : tại đây 

 

Đăng ký Online

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here