Trang chủ TÀI LIỆU DU LỊCH Những ông vua tàn độc và hoang dâm nhất sử Việt

Những ông vua tàn độc và hoang dâm nhất sử Việt

3433
0
Chia sẻ

NHỮNG ÔNG VUA TÀN ĐỘC VÀ HOANG DÂM NHẤT SỬ VIỆT

Bên cạnh những vị vua trụy lạc, một số ông vua được nhớ tới như những người u mê, nhu nhược hoặc tàn bạo. Suốt cả cuộc đời của các vị vua này chỉ xoay quanh thú tra tấn, biến thái bệnh hoạn, và những màn phòng the điên rồ… Vì thói đam mê hưởng lạc, chỉ trong ít năm, nhiều vị vua đã phá tan nát cơ đồ mà các bậc tiền bối dày công xây dựng trong cả thế kỷ.

VUA TÀN ĐỘC HOANG DÂM – LÊ LONG ĐĨNH

Ở vương triều Đại Việt, mỗi khi người đương thời nhắc đến tên Lê Long Đĩnh thì ngay lập tức nghĩ tới hình ảnh một hôn quân, bạo chúa.

Lê Long Đĩnh (986 – 1009) là vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê trong lịch sử Việt Nam. Trong chính sử, ông được mô tả là người bạo – ngược, thích chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa.

Sử sách chép, sau khi Lê Hoàn mất vào tháng 3 năm 1005, Lê Long Đĩnh cùng các hoàng tử: Ngân Tích, Long Kính, Long Cân tranh giành ngôi vua với Thái tử Lê Long Việt. Đến tháng 10 năm 1005, Lê Ngân Tích bị giết, Long Việt lên ngôi. Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau đó, Lê Long Đĩnh đã giết anh và giành ghế thiên tử. Ông tự xưng là Đại Thắng Minh Quang Hiếu Hoàng đế.

Ông nổi danh vì những thú vui tàn ác như: tra tấn tù binh hoặc với những tội nặng hay nhẹ của tù nhân vị vua này luôn nghĩ đến những trò hành hạ tàn độc nhất. Bằng các cách thức man rợ nhất nên mới được so sánh với Kiệt, Trụ ngày xưa …Việc lấy rơm tẩm dầu quấn vào người, rồi đốt sống … hay bỏ vào sọt, đem thả xuống sông là điều thường thấy hàng ngày. Độc ác hơn, nhà vua còn lấy mía để lên đầu nhà sư mà róc vỏ. Khi thấy dao bổ vào đầu sư chảy máu ra vua lăn ra cười sặc sụa.

Theo sử sách! Do sống dâm dục quá độ nên Lê Long Đĩnh mắc bệnh trĩ nặng đến mức không ngồi được. Đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là “Ngọa triều”. Cái chết của ông ở tuổi 24 dẫn đến việc chấm dứt nhà Tiền Lê, quyền lực rơi vào tay nhà Lý. Ghi chú thêm: “Giới sử học Việt Nam gần đây đã có những cách nhìn khác về vị vua tai tiếng này … Họ cho rằng ông đã bị các sử gia thời sau bôi nhọ để phục vụ ý đồ của nhà cai trị.

Vì trên thực tế, nhiều nguồn sử liệu khẳng định, Lê Long Đĩnh là người trọng vọng Phật giáo và là ông vua đầu tiên cử người đi lấy kinh Đại Tạng về cho Việt Nam. Ông cũng được coi là một ông vua có tư duy kinh tế và một nhà quân sự có kinh nghiệm, với 6 lần trực tiếp cầm quân ra trận. Vì thế họ cho rằng, một vị vua như vậy thì không thể là người ham mê sắc dục đến bỏ bê chính sự và bệnh nặng đến mức liệt giường”. Mong họ chứng minh được để có thể sửa lại chính sử sau này!

VUA PHÁ NÁT CƠ ĐỒ NHÀ LÝ – LÝ CAO TÔNG

 Lý Cao Tông (1173–1210) là vị vua thứ 7 của nhà Lý. Lên ngôi từ năm 3 tuổi và giữ được ngôi đến khi trưởng thành. Ông đã trở thành vị vua đẩy triều Lý vào sự suy sụp.

Khi còn nhỏ, Cao Tông là người ngoan lành. Song khi lớn lên bắt đầu trực tiếp cầm quyền trị nước lại sinh ra ham mê săn bắn. Chính sự pháp luật không rõ ràng, vơ vét của dân xây nhiều cung điện, bắt trăm họ xây dựng phục dịch nên trộm cướp nổi lên khắp nơi.

  • Năm 1189, ông đi du hành khắp các nơi trong cả nước, đi đến đâu mà có thần linh lại cho xây dựng đền miếu.
    Năm 1197 cho dựng cung Nghênh Thiềm.
  • Năm 1203 lại tiếp tục cho xây dựng hàng loạt cung điện  khiến trăm họ khốn khổ.
  • Năm 1208 trong nước xảy ra đói kém, người chết đói hàng loạt. Trong lúc ấy thì vua vẫn rong chơi vô độ, xây đền đài không ngớt. Nghe ngoài thành có trộm cướp thì lại lờ đi như không biết.

Do chính sự rối ren, lòng dân oán hận, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân và ly khai của các hào trưởng địa phương nổ ra.
Bên cạnh đó, nhà Tống còn xua quân sang quấy nhiễu biên giới Đại Việt khiến nhân dân phải chạy loạn vô cùng khổ sở.

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư nhận định về Lý Cao Tông như sau: “Vua chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm. Cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy vong”.

VUA MỞ ĐẦU SỰ SỤP ĐỔ CỦA NHÀ TRẦN- TRẦN DỤ TÔNG

Trần Dụ Tông (1336 – 1369) là vị vua thứ 7 của nhà Trần. Ông lên ngôi Hoàng đế khi còn thơ ấu. Thái thượng hoàng Trần Minh Tông điều hành triều chính, đất nước ổn định. Sau khi Minh Tông qua đời, Dụ Tông đích thân chấp chính và triều đại của ông đánh dấu sự mở đầu của quá trình suy yếu của Vương triều nhà Trần.

Vua Dụ Tông ham chơi bời, mê đàn hát … thường sai các vương hầu và công chúa bày tiệc đóng trò hát tuồng cho vui. Ai diễn hay thì được thưởng. Mặc dù phép tắc nhà Trần rất nghiêm khắc với tội đánh bạc, nhưng Trần Dụ Tông lại thích trò này. Vua chiêu tập các nhà giàu vào cung đánh bạc cùng ông. Ông cũng nghiện rượu và thích rủ các quan lại cùng uống thi, Ai uống thắng được ông thăng chức.

Trần Dụ Tông còn sai phu xây cất nhiều cung điện, đào hồ ở vườn trong hậu cung. Trong hồ xây đá làm núi, trồng nhiều cây cỏ lạ và nuôi chim thú quý … Sau đó ông lại sai làm hồ con, lệnh cho dân ra biển chở nước mặn đổ vào hồ và thả cá biển, đồi mồi vào nuôi.

Vua thích chơi bời và không nghe lời các trung thần. Các quý tộc cũng hưởng ứng theo vua khiến triều đình ngày càng rố nát. Do bỏ bê nông nghiệp nên trong nước xảy ra mất mùa nhiều năm. Bị sưu cao thuế nặng, dân trong nước oán thán, nổi lên làm loạn. Mặc dù các cuộc nổi dậy bị dẹp nhưng nhân tài vật lực trong nước bị hao tổn, kho tàng trống rỗng.

Do tình hình trong nước ngày càng rối ren, Chiêm Thành ở phía Nam nhiều lần thừa cơ đánh cướp và tỏ ra coi thường người Việt. Họ ngang ngược cử sứ giả sang Đại Việt để buộc vua Trần phải triều cống hàng năm. Sau khi Trần Dụ Tông mất khi ở tuổi 34, nhà Trần tiếp tục lao xuống vực thẳm của sự suy vong.

VUA HÈN – TRẦN PHẾ ĐẾ

Trần Phế Đế (1361 – 1388) là vị vua thứ 10 của nhà Trần. Lên nắm quyền trong buổi hoàng hôn của triều đại này, sự bất lực và nhu nhược của ông khiến tình hình càng trở nên không thể cứu vãn.

Trong thời gian trị vì của Trần Phế Đế, thế lực nhà Trần đã tụt dốc thảm hại, tạo điều kiện cho giặc Chiêm Thành tràn vào cướp phá, chiếm được cả thành Thăng Long trong một thời gian. Tuy vậy, vua không mấy quan tâm đến chuyện chống giặc mà chỉ lo đem của cải đi cất giấu.

Năm 1381, Phế Đế mở khoa thi Thái học sinh … Song từ đó lại lựa chọn những người khỏe mạnh để gia nhập quân đội. Việc làm kỳ lạ này đã làm mất lòng dân, nản lòng binh sĩ.
Không những vậy, triều đình còn tiếp tục cho tăng sưu thuế, để cứu kho tàng trống rỗng vì chiến tranh … Bắt mỗi suất đinh đóng 3 quan tiền thuế khiến cho nhân dân ngày càng thống khổ.

Cùng với Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông, vua đã để cho Hồ Quý Ly lộng hành, dẫn đến sự sụp đổ từng bước của nhà Trần. Mặc dù sau đó Phế Đế đã tỉnh ngộ và nhận ra mối hiểm họa từ Hồ Quý Ly, nhưng chính điều này đả dẫn đến cái chết tức tưởi của ông khi cha ông là Trần Nghệ Tông nghe lời Quý Ly giết hại ông. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư đánh giá Trần Phế Đế như sau: “Vua u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền ngày càng về tay kẻ dưới, xã tắc lung lay, đến thân mình cũng không giữ được”.

 VUA QUỶ – LÊ UY MỤC (SAU ÂN ÁI GIẾT LUÔN CUNG NHÂN)

 Lê Uy Mục (1488 –1509) có tên húy Lê Tuấn, là vị vua thứ 8 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Lên ngôi từ năm 17 tuổi, ông được xem là một vị hoàng đế tàn bạo và hoang dâm, đẩy triều Lê vào tình trạng hỗn loạn.

Theo sử sách ghi lại, Uy Mục là một vị vua ăn chơi vô độ … Ngay từ khi lên ngôi, ông đã nổi tiếng ham mê rượu chè, gái đẹp và giết người. Ít vị vua nào sánh bằng. Ông cũng nổi tiếng tàn bạo khi giết hại nhiều người vô tội.

Khi mới lên làm vua, Uy Mục đã giết tổ mẫu là bà Thái hoàng Thái hậu, giết quan Lễ bộ Thượng thư là Đàm Văn Lễ và quan Đô ngự sử là Nguyễn Quang Bật. Vì những người này từng phản đối việc đưa ông lên ngôi. Vị vua này còn ra lệnh cho giết hết những người Chiêm bị bắt làm gia nô trong các điền trang của các thế gia, công thần.

Tuy mới 20 tuổi, Lê Uy Mục đã có một thú vui tình dục rất vô độ. Đêm nào, ông cũng gọi các phi tần, cung nhân vào uống rượu say sưa, hành lạc vô độ. Khi say, vua giết luôn cả cung nhân vừa được mình ôm ấp. Ai cũng kinh sợ, nhưng vì uy quyền tối thượng của vua, nên không dám chống đối, hay tìm cách trốn tránh. Việc triều chính bỏ bê cho bọn hoạn quan và bên họ ngoại khuynh đảo, lộng hành …

Sứ thần Trung Hoa chứng kiến sự quái gở của Uy Mục, đã làm thơ gọi ông là Vua quỷ (Quỷ vương). Sự bất nhân của Uy Mục đã gây nên một làn sóng bất bình trong dân chúng và hàng ngũ quan lại. Hậu quả là một số người trong tôn thất và triều thần đã làm loạn, dẫn đến việc Giản Tu Công Lê Oanh lật đổ và giết chết vị hôn quân này sau 4 năm ở ngôi.

VUA LỢN – LÊ TƯƠNG DỰC

Sau khi giết chết Lê Uy Mục, Lê Oanh tự lập mình làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận, tức vua Lê Tương Dực (1495 – 1516). Trong thời gian đầu trị vì, Tương Dực tỏ ra là một vị vua tốt, nhưng càng về sau ông càng sa đà vào việc chơi bời xa xỉ truỵ lạc, bỏ bê việc nước.

Lê Tương Dực nổi tiếng với việc sai người thợ cả Vũ Như Tô xây điện 100 nóc, xây Cửu Trùng Đài. Quân dân làm trong mấy năm trời không xong, hao tổn tiền của, chết hại nhiều người. Ông còn cho đóng chiến thuyền bắt con gái khỏa thân trần truồng chèo chơi ở hồ Tây để cho ông và các triều thần ngắm … Ông giết chết 15 vương công, và cho gọi vợ con họ hay các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm.

Vì hoang dâm như thế, cho nên sứ nhà Minh sang trông thấy vua, bảo rằng Tương Dực có “tướng lợn”, nên dân chúng gọi ông là Vua Lợn (Vua Heo – Trư vương).

Lê Tương Dực hoang chơi khiến triều chính hết sức rối loạn, loạn lạc xảy ra khắp nơi trong cả nước. Do can gián vua không được mà còn bị phạt đánh bằng trượng, nguyên Quận công Trịnh Duy Sản đã giả mượn tiếng đi đánh giặc để đem binh vào cửa Bắc Thần giết vua Tương Dực, chấm dứt 7 năm cầm quyền của “Vua lợn” này.

VUA LOẠN DÂM – MẠC MẬU HỢP

Vị vua ngồi tại ngai lâu nhất trong số các vua Mạc thời hưng thịnh. Ông tại vị 30 năm, lại chính là người khiến cơ nghiệp nhà Mạc suy vong. Mà một phần nguyên nhân chính là do … thói hoang dâm hiếu sắc.

Mạc Mậu Hợp mới lên 2 tuổi đã được lên ngôi vua. Lúc này, triều chính vẫn do hai ông chú là Mạc Kính Điển và Mạc Đôn Nhượng phụ tá. Mậu Hợp sống xa hoa, kiêu ngạo, hay nghe xiểm nịnh, thường ít lắng nghe lời bàn luận, khuyên can của các bậc lương thần. Và đặc biệt, rất hoang dâm hiếu sắc.

Để thỏa mãn dục vọng, vua không ngần ngại mưu giết bề tôi, đoạt mỹ nhân (vợ của các vị ấy). Cụ thể định giết một danh tướng trong triều để cướp vợ khiến cho một bộ phận binh lực nhà Mạc đã theo viên tướng này về quy phục vua Lê, làm cho thế lực của Mạc Mậu Hợp ngày càng suy yếu.

Sau đó, vua Mậu Hợp đã bị Trịnh Tùng treo sống bỏ đói khát 3 ngày …Rồi Trịnh Tùng đem Mậu Hợp ra chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, đem đóng đinh vào 2 con mắt, bêu ra ngoài chợ 5 ngày …

CHÚA ĂN CHƠI DÂM LOẠN VÔ CHỪNG – TRỊNH GIANG

Trịnh Giang lên ngôi chúa vào tháng 10 năm 1729, ngay sau khi Trịnh Cương qua đời.

Do không tha thiết đến việc chính sự, nên năm 1736, Trịnh Giang phong cho Trịnh Doanh lúc đó mới 17 tuổi làm Tiết chế thủy bộ chủ quân, chức Thái úy, tước Ân Quốc công, cho mở phủ Lượng Quốc.

Mỗi tháng ba lần, Trịnh Doanh thay Trịnh Giang triều kiến trăm quan ở Trạch Các để nghe tâu trình công việc. Nổi tiếng là mê đàn bà từ nhỏ. Vậy nên, ngay khi lên nắm quyền chúa, Trịnh Giang đã sớm sử dụng quyền lực của mình để có thể hưởng lạc ái ân.

Tất nhiên, ngay sau đó, Trịnh Giang sớm nổi tiếng về thói ăn chơi dâm loạn không chừng mực. Càng về sau, Trịnh Giang càng có nhiều biểu hiện kỳ dị trong sinh hoạt tình dục. Để phục vụ cho việc ăn chơi, hưởng lạc của mình, chúa Trịnh Giang đã cho xây dựng nhiều cung quán, chùa chiền rất nguy nga và tốn kém …

Hằng ngày, các hoạn quan phải lựa ra một người đẹp trong số các cung nữ hoặc bắt cóc các dân nữ sống trong khu vực, tắm cho sạch sẽ rồi bỏ vào bao tải lớn, vác vào phòng chúa Trịnh Giang. Đêm ấy và nhiều đêm nữa, người đẹp này sẽ được chúa “ân sủng” theo ý thích. Việc đam mê đàn bà của chúa Trịnh Giang không chỉ dừng lại ở đó.

Để thỏa mãn nhu cầu dâm loạn của mình, chúa Trịnh Giang còn từng tư thông với vợ lẽ của cha mình. Chuyện này bị bà Vũ Thái phi phát giác. Bà ép Kỳ Viên phi Đặng Thị phải tự tử.
Một hôm, chẳng hiểu vì sao Trịnh Giang bị sét đánh gần chết. Nhân đó mà mắc bệnh “kinh quý”. Hễ nghe có sấm sét là kinh hồn bạt vía. Bọn hoạn quan liền nói với Trịnh Giang rằng, nguyên do chẳng qua vì dâm dục thái quá nên bị ác báo, muốn chữa, chỉ có cách … đào hầm làm nhà ở dưới đất, sét không thấy mà đánh nữa …Trịnh Giang nghe qua hữu lý, bèn dựng cung Thưởng Trì sâu dưới để ở, không dám đi ra ngoài như trước nữa.

VUA CÕNG RẮN CẮN GÀ NHÀ – LÊ CHIÊU THỐNG

Lê Chiêu Thống (1765 – 1793) là vị vua cuối cùng của nhà Lê trung hưng. Bị mất ngôi năm 1788, ông đã sang cầu viện nhà Thanh đem quân sang đánh Quang Trung với hy vọng được đưa trở lại ngai vàng.

Sau khi hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà quét sạch 29 vạn quân Thanh, Lê Chiêu Thống lại phải theo đám bại quân chạy sang nước Mẹ Trung Hoa ẩn náo.
Vẫn chưa thôi mộng phục quốc, Chiêu Thống lại tiếp tục xin nhà Thanh cho quân cứu viện.

Nhưng nhà Thanh, phần vì quá sợ Quang Trung, phần đã ngán ngẩm việc chinh chiến nên chỉ hứa hão mà không cho quân.
Thất vọng và chán nản, Lê Chiêu Thống rượu chè, lâm bệnh rồi qua đời năm 1793 và được nhà Thanh chôn theo nghi thức tước Công của họ.

(Theo Hoàng Phương)

Đăng ký Online

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here