Trang chủ TÀI LIỆU DU LỊCH Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên (Trích tập Tây Nguyên vùng...

Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên (Trích tập Tây Nguyên vùng đất, con người)

2906
0
Chia sẻ
văn hóa dân tộc tây nguyên

VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC TÂY NGUYÊN (Trích tập Tây Nguyên vùng đất, con người)

Nhắc đến Tây Nguyên, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất hoang sơ đầy nắng và gió, những con đường đất đỏ khúc khuỷu, những rừng cà phê cao su bạt ngàn, những câu chuyện sử thi, bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra, Tây Nguyên là vùng đất lưu trữ kho tàng văn hóa đa dạng của các dân tộc anh em cùng sinh sống tại đây. Đặc biệt là văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng riêng biệt mà không ở vùng đất nào có được . 

Mặc dù trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, song quan hệ xã hôi cơ bản của các dân tộc Tây Nguyên vẫn còn mang đậm tính huyết thống và tính cộng đồng bền chặt cùng những mối quan hệ cổ truyền tốt đẹp được hình thành qua các thời kỳ lịch sử lâu dài, tinh thần cộng đồng, dân chủ, bình đẳng, tương thân tương ái… luôn được đề cao.

Các Dân Tộc Anh Em sinh sống tại Tây Nguyên

Dân Tộc Êđê: Tên gọi khác Rade, Đê, Kpa, Adham,…thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo-Polynexia. Dân số khoảng 195,000 người, cư trú tập trung ở tỉnh Đaklak, nam Gia Lai và miền tây hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa . 

Kinh tế: Người Êđê làm rẫy là chính. Một số nhóm vẫn giữ phong tục làm ruộng theo lối cổ sơ, dùng trâu đẩy bữa thay cho cày. Ngoài ra người đồng bào còn trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn, hái lượm..

Hôn nhân gia đình:  Trong gia đình người Êđê người phụ nữ là trụ cột chính của gia đình. Họ theo chế độ mẫu hệ: con gái sinh ra theo họ mẹ; con trai không được quyền thừa hưởng thừa kế; đàn ông cư trú trong nhà vợ. Nếu vợ chết và bên nhà vợ không còn ai thay thế thì người chồng phải về với chị em gái mình. Nếu chết được đưa về chôn cất bên người thân của gia đình mẹ đẻ. 

Văn hóa: Người Êđê có kho tàng văn học truyền miệng phong phú: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, đặc biệt là các Khan ( Khan Đam San). Đồng bào yêu ca hát và thích tấu nhạc. Nhạc cụ gồm có cồng, chiêng, đàn , sáo,khèn ..

Nhà cửa: Nhà của người Êđê thuộc loại hình nhà sàn dài. Người ta thường có câu ví nhà dài người Êđê “dài như một tiếng chuông ngân”. Nhà dài của căn nhà lớn thuộc chế độ mẫu hệ, bộ khung kết cấu đơn giản. Đặc trưng của nhà dài là hình thức cột thang, sàn và cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt.

Đặc biệt ở hai phần, ở đằng cửa chính gọi là Gah. Đây là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của cả nhà dài, bếp chủ, ghế khách, chiêng ché… Nửa còn lại gọi là Ôk là bếp đặt chỗ nấu ăn chung và là chỗ ở của các đôi vợ chồng. Chia đôi theo chiều dọc. Phần về bên trái được coi là phần “trên” chia làm nhiều gian nhỏ. Phần bên phải là hành lang để đi lại, về phía cuối là nơi đặt bếp. Mỗi đầu nhà có một sân sàn. Sân sàn ở phía cửa chính được gọi là sân khách, muốn vào nhà phải qua sân sàn. Nhà càng khá giả thì sân khách càng rộng, khang trang .

nhà dài người êde

Trang Phục: Y phục cổ truyển của người Êđê là màu chàm, có điểm những hoa văn sặc sỡ. Đàn bà mặc áo quấn váy, đàn ông đóng khố, mặc áo. Đồng bào ưu dùng các đồ trang sức bằng bạc, đồng, hạt cườm.

Dân tộc Gia Rai: Giơ rai, Tơ Buăn, Hobau, Hdrung, Chor thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo-Pôlinexia. Dân số khoảng 240.000 người, cư trú tập trung ở Gia Lai. Một bộ phận ở tỉnh Kontum và phía Bắc Đaklak

Kinh Tế: Người Gia Rai sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt nương rẫy. Lúa tẻ chính là nguồn lương thực chủ yếu. Công cụ canh tác của người Gia Rai rất giản đơn. Chủ yếu là con dao chặt cây, cái cuốc xới đất và cây gậy chọc lỗ tra hạt giống. Nghề chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà phát triển; người Gia Rai còn nuôi cả voi. Đàn ông thạo đan lát các loại gùi. Đàn bà giỏi dệt khố váy, mền đắp, vải may mặc cho gia đình. 

Tổ chức cộng đồng: Người Gia rai sống thành từng làng (Plơi hay bôn). Trong làng, trưởng làng cùng các bô lão có uy tín giữ vai trò điều hành hoạt động tập thể. Ai nấy đều nghe và làm theo. Mỗi làng đều có nhà rông cao vút .

Hôn nhân gia đình: Dân tộc Gia Rai theo truyền thống mẫu hệ. Phụ nữ tự do chọn người yêu và chủ động việc hôn nhân. Sau lễ cưới chàng trai về ở với nhà vợ, không được thừa kế tài sản. Trái lại, con gái lấy chồng tách khỏi cha mẹ ra ở riêng, được phân chia một phần tài sản. Con cái sau khi sinh ra đều theo họ mẹ. Ngoài xã hội, đàn ông đóng vai trò quan trọng hơn, nhưng trong nhà phụ nữ có ưu thế hơn.

Văn Hóa: Nói đến dân tộc Gia Rai phải kể đến những trường ca, truyện cổ nổi tiếng như Đăm Di Đăm Săn, Xinh Nhã. Dân tộc Gia Rai cũng độc đáo trong nghệ thuật chơi chiêng, cồng; ngoài ra còn có tơ nưng, đàn klong put. Những nhạc cụ truyền thống này gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào. Người Gia Rai hầu như ca múa từ tuổi nhi đồng cho đến khi già yếu không còn đủ sức nữa mới chịu đứng ngoài những cuộc nhảy múa nhân dịp lễ hội tổ chức trong làng hoặc trong gia đình . 

văn hóa dân tộc tây nguyên

Nhà cửa: Có nơi ở nhà dài, có nơi làm nhà nhỏ, nhưng đều chung tập quán ở nhà sàn đều chung truyền thống mở cửa chính về hướng bắc. 

Trang Phục

Trang phục Nam: Nam đội khăn theo lối quấn nhiều vòng trên đầu. Hoặc quấn gọn gẽ buông một bên tai, đóng khố loại vải trắng có kẻ sọc 

Trang phục nữ: Phụ nữ thường để tóc dài búi sau gáy, hoặc quấn gọn trên đỉnh đầu. Áo dài là loại áo ngắn, chui đầu, phổ biến là loại chui đầu cổ hình thuyền .

Dân Tộc Gỉe Triêng, Dân tộc Ba Na, Dân Tộc Mạ, Dân Tộc Chu Ru, Dân Tộc Cơ Ho, Dân tộc Xơ Đăng, Dân tộc Ra glai, Dân tộc tà ôi, dân tộc xtieng, dân tộc Brâu, dân tộc M’nông, dân tộc Rơ Măm, dân tộc Bru-Vân kiều, dân tộc chơ ro, dân tộc chăm, dận tộc co, dân tộc cơ tu, dân tộc Hrê,dân tộc Khơ Me 

Xem thêm thông tin các dân tộc cư trú tại Tây Nguyên : Tại đây 

Một số phong tục tập quán của các dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên 

Hôn nhân của Dân Tộc Gia Rai: Đến tuổi trưởng thành nam và nữ Gia Rai đều có quyền lựa chọn người yêu. Phụ nữ có quyền lựa chọn chồng tương lai cho mình. Cô gái rút vòng tay nhờ ông mối đến trao tận tay người yêu.Nếu ưng thuận người con trai nhận vòng. Nếu không họ cũng cầm vòng một lúc rồi trả cho ông mối. Nếu cô gái vẫn theo đuổi thì có thể nhờ ông mối trao hai ba lần cho đến khi không còn hy vọng mới thôi. Nếu người con trai nhận rồi, ông mối hẹn đến một địa điểm nhất định để cô gái nhận vòng của người bạn tình. Ông mối là người chứng giám và dặn kỹ càng các công việc cần thiết để đôi bên tiến tới hôn lễ. 

Để chuẩn bị cho đám cưới, nhà gái phải sắm đầy đủ: một ché rượu cho ông mối, một ché rượu cần cho người chồng tương lai và môt ché rượu nữa để cho mình uống. Bên nhà trai cũng phải có một con lợn khoảng vài chục cân để cưới vợ. Hôn lễ sẽ được tiến hành theo các bước sau đây : 

  • Phai (lễ thành thân): trong nghi lễ này nhà gái đặt ché rượu ở giữa nhà. Đôi uyên ương ngồi song song, quay mặt về phía cửa ra vào. Ông mối ngồi cạnh nói “đây là lúc hai bên nín thở để hắt hơi”( ý nói trai gái chung đụng lần đầu). Lúc này không khí rất trang trọng và hồi hộp.
  • Chúa Hpiếu: Đêm đó, nếu đôi bên vợ, chồng nằm mơ thấy bắt cá thả vào nước là sẽ có con. Nếu mơ thấy cầm dây, cắt cỏ tranh là điềm dữ, vợ chồng phải li dị, nhà cửa tan nát. Ông mối biết sẽ xin với thần báo mộng, để xin tì hoãn điềm xấu trong một năm. Nếu giấc mơ dữ lặp lại một lần nữa họ đành phải li dị nhau hoặc cứ ở với nhau mà bất chấp các điều dữ sẽ xảy ra sau này.
  • Wit sang ami (trở lại nhà mẹ): Sau khi cưới vài ngày, chàng rể rời nhà vợ để về nhà mẹ. Sau đó, người vợ phải chuẩn bị môt ché rượu, mổ một con gà mang sang mời chàng quay trở lại nhà mình. Lúc đầu người chồng khước từ, người vợ đành phải một mình trở về. Một tháng sau mới quay lại bên nhà chồng. Lúc đó cô dâu phải biếu mẹ chồng một bộ váy áo, bố chồng một bộ khố áo, anh em ruột bên chồng mỗi người một tấm áo, một tấm khố. Cô dâu lúc này phải ở lại nhà chồng dăm ba ngày để làm phận dâu con: múc nước, lấy củi, quay sợi, dệt vải. Sau đó hai vợ chồng mới xin phép đưa nhau về ở hẳn bên nhà vợ và đến đây mọi thủ tục hôn lễ chính thức kết thúc. 

Sinh đẻ và nuôi con: Vì theo chế độ gia đình là mẫu hệ nên người Gia Rai coi trọng người mẹ. Do đó khi người phụ nữ mang thai không làm các công việc nặng nhọc. Khi mang thai người Gia Rai thường kiêng cữ rất nhiều thứ như: không ngồi trước cửa sổ, cửa ra vào, không được ăn bằng thìa hoặc môi mà phải ăn bốc, không được bước qua dây buộc trâu bò… Thời gian sau khi đẻ từ 1 tháng rưỡi đến hai tháng, phụ nữ chỉ được ăn cơm với muối rang và gừng, không được ăn thức ăn như rau tươi, cá và thịt vì sợ bị hậu sản. 

Hôn nhân của người dân tộc cơ ho: Hôn nhân một vợ một chồng và cư trú bên vợ đã được xác lập từ lâu đối với người Cờ Ho. Phụ nữ đóng vai trò chủ động. Khi đến tuổi trưởng thành, người con gái yêu ai thì bày tỏ với cậu, cha , mẹ và nhờ người mai mối đến nhà trai để làm lễ dạm hỏi. Lễ vật gồm: một vông đồng và một chuỗi cườm (tượng trưng sự kết nối lâu dài). Nếu gia đình người con trai ưng thuận, thì hai bên tiếp tục bàn định đám cưới. Đồng thời nhà trai cũng đưa ra những yêu cầu về lễ vât cưới (thách cưới) thường là trâu, chiêng, ché, tấm đắp, áo váy, heo ,gà…

Ngày hôn lễ, cô gái mang một gùi củi được cha, mẹ, cậu và người mai mối đến nhà trai. Mẹ chàng trai dắt cô gái vào nhà và đặt củi nơi đã định trước. Nhà trai bày rượu cần và thức ăn đã được chuẩn bị sẵn ra mời thầy cúng. Và già làng làm lễ cầu xin thần linh (yang) giúp cho đôi vợ chồng trẻ được nhiều lúa gạo, mạnh khỏe, đông con và hạnh phúc bên nhau suốt đời.

Tiếp đến cô dâu và chú rể cùng uống rượu cần, tiệc vui bắt đầu. Mọi người cùng đánh chiêng, thối kèn múa hát, uống rượu thâu đêm suốt sáng. Chú rể đưa cô dâu vào phòng riêng, hai người ở đó một đêm nhưng không ăn nằm với nhau. Tiệc vui cứ vậy diễn ra hết 4, 5 ngày. Sau tiệc vui khách khứa ra về, cha mẹ đôi bên mới gặp nhau thống nhất ngày giờ làm lễ rước rể.

Trước ngày rước rể, gia đình hai bên đều làm lễ cúng Yàng. Đây là thời điểm gia đình nhà trai ấn định của hồi môn cho chàng gồm chiêng, ché, trâu, bò và một số dụng cụ cá nhân khác. Nhưng người con trai phải từ chối vì sự tôn kính cha mẹ. Do đó khi về ở nhà vợ, chú rể chỉ đem theo quần áo và một thanh gươm, hai chén uống nước, một cái bát, một đôi đũa và một mâm đồng. 

DÂN TỘC CỜ HO

Ngày rước rể , chú rể và gia đình, người mai mốt và bạn bè sang nhà cô dâu. Nhà gái bố trí người đi đón nhà trai. Sau hôn lễ đôi trai gái chính thức bước vào đời sống vợ chồng. 

Trong quan hệ hôn nhân, người Cờ Ho cũng có nhiều quy định chặt chẽ như cấm quan hệ hôn nhân giữa con chú với con bác. Trái lại cô dâu, con cậu từ hai chiều có thể quan hệ hôn nhân. Người chồng có thể lấy em gái vợ nếu người vợ chết và cô em ưng thuận. Nếu vợ chồng li dị, gia đình người chồng phải hoàn trả toàn bộ số lễ vật thách cưới. Hoặc nếu người vợ chết, người chồng đi lấy vợ khác cũng phải nộp lại số lễ vật ấy.

Nếu người vợ hoặc người chồng ngoại tình mà bị phát hiện thì phải nộp phạt 6 con trâu, một ché rượu, một con gà, một con vịt để làm lễ giao hòa. Nếu người vợ (hoặc vợ) chết không có người em để lấy hoặc cả hai bên đều không ưng thuận thì được phép có vợ (chồng) khác mà không cần phải trả lại của hồi môn sau khi mãn hạn tang.

Trước kia hôn nhân của người Cờ Ho phải thực hiện đám cưới ba lần. Do đó có trường hợp mặc dù đã chung sống với nhau lâu dài, nhưng có những đôi vợ chồng chưa hoàn thành đám cưới trước khi qua đời vì nghèo hoặc khó khăn. 

Hôn nhân của người dân tộc Mạ : 

Người Mạ theo chế độ phụ hệ. Vì vậy, con trai đến tuổi trưởng thành thích cô gái nào xin ý kiến cha mẹ và tìm người mai mối (căn gôi pao) đến nhà cô gái để làm lễ ăn hỏi.

Sau hôn nhân phụ nữ người Mạ sẽ về ở bên nhà chồng. Sau lễ cưới, người con trai sang nhà vợ ở tám ngày nếu nộp đủ đồ hôn lễ cho nhà vợ. Nếu không đủ thì phải ở bên nhà vợ đến khi nộp đủ mới được đưa vợ về nhà mình.

Nam giới người Mạ muốn có vợ phải có trâu, ché, gà, lợn, quần áo, lợn và vòng. Tiến hành hôn lễ cùa người Mạ là do già làng quyết định. Người nữ đã đi theo chồng thì ít khi nào về nhà của bố mẹ mình. Khi chồng chết không có em chồng để lấy thì người vợ góa phải ở lại nhà chồng ba năm. Sau đó mới được về nhà bố mẹ đẻ của mình để ” đi bước nữa” với hai bàn tay trắng.

dân tộc mạ

Ngoài ra, người vợ góa phải trả lại một phần sính lễ mà gia đình chồng trước đó đã nộp trước khi tiến hành hôn lễ. Trường hợp, người phụ nữ có quan hệ tốt với gia đình chồng không muốn đi tái giá hoặc người chồng chết mà tuổi không thể đi bước nữa được nữa thì ở cùng với con và thừa kế tài sản với người con trai trưởng.

Trường hợp người vợ chết, người chồng lấy em gái của người vợ quá cố thì người em gái đó không có quyền đòi lễ vật nếu người chồng đã nộp đủ sính lễ lúc cưới người chị. Nếu người vợ quá cố không có em gái để thay mình, người chồng đi lấy vợ khác thì tài sản làm ra của vợ chồng đều thuộc về người chồng.

Mặt khác, khi người con gái đi lấy chồng người Mạ, quan niệm rằng gia đình nhà gái mất đi một lao động nên họ đòi hỏi sính lễ khá nhiều để đền bù sự mất mát đó.

Xem thêm phong tục cưới hỏi của người dân tộc Chu ru, Giẻ triêng, Xơ Đăng: tại đây 

Bó củi hứa hôn : Dân tộc Gỉe Trieng- Xơ Đăng 

Hầu hết các cô gái tới 14-15 tuổi đã có ý thức chủ động bắt chồng. Khi đi làm rầy, lên nương, các cô biết chặt những bó củi để chuẩn bị. Loại củi dài khoảng 0.8 m đẹp và đều, gỗ dễ cháy, đượm lửa. Họ đưa về, để củi này một nơi riêng không để lẫn với củi đun hằng ngày. Có những trường hợp củi phải chuẩn bị hai đến ba năm.

bó củi hứa hôn

Ngày xưa bắt buộc phải có một trăm bó củi thì mới bắt được chồng. Ngày nay con số này đã giảm đi, nhưng đã bắt được chồng là phải có củi. Trong hôn nhân người Giẻ Triêng củi là quan trong nhất. 

Người con gái yêu ai thì tìm cách đánh tiếng trước. Nếu đồng ý, tối đến người con trai tự nguyện đến tâm sự với người con gái tại nhà rông. Sau vài tuần lễ, nhà gái mang củi đến nhà trai xếp đống để làm lễ loong (lễ hứa hôn). Người ta vẩy rượu lên đống củi, khấn vái thần linh phù hộ cho vợ chồng sinh được nhiều con cái khỏe mạnh. Ngày này, nhà trai tặng nhà gái một số đồ đan, nhà gái tặng nhà trai những sản phẩm dệt. Sau đó, hôn lễ được tổ chức.

bó củi hứa hôn

Tang Ma 

Người Gia Rai cho rằng khi sinh thời con người gắn bó với gia đình, họ hàng, hàng xóm. Khi chết, người sống thương tiếc thì phải tạo hết mọi điều kiện để cho linh hồn của người đó biến thành ma vĩnh viễn của buôn làng. Vì thế, người Gia Rai tổ chức tang lễ cúng ma để linh hồn trở thành ma (atau) không trở về quấy rối người sống . 

Xem thêm : tại đây 

Một số lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên 

Hội đua voi ở Tây Nguyên 

Ở Tây Nguyên tập trung nhiều nhất là ở Đaklak. Trong đó, huyện Easup có đàn voi đông nhất. Bản Đôn là nơi nổi tiếng với những đàn voi lớn. Hội đua voi thường được diễn ra vào mùa xuân. Cụ thể là dịp tháng ba âm lịch đó là tháng đẹp nhất trong năm ở đây. 

lễ hội đua voi

Chuẩn bị cho ngày hội, những đàn voi từ các buôn làng xa gần nườm nượp kéo về Buôn Đôn. Tập trung ở một số bãi có nhiều cây cỏ để voi ăn uống no nê. Họ còn bồi dưỡng thêm cho voi chuối chín, đu đủ chín, mía lau, khoai lang và hầu như không bắt voi làm những việc nặng nhọc để giữ sức. 

Đến ngày hội các đàn voi thường tập trung ở cánh rừng ven sông Serepok. Dân sinh sống trong các buôn làng cũng đổ về với những bộ quần áo sặc sỡ. Bãi đua là một dải đất bằng phẳng. Bề ngang đủ để 10 con voi giăng hàng đi cùng một lúc, chiều dài từ 1 đến 2 km .

Một hồi tù và rúc lên, đàn voi dưới sự điều khiển của những chàng mogat lần lượt tiến vào nơi khoảng đất bằng, dàn thành hàng ngay ngắn. Theo lệnh người điều khiển, từng tốp voi đi vào đứng ở tuyến xuất phát. Con đầu đàng đứng lên phía trước: trong tư thế uy nghi, hai chân trước đứng thẳng, quay cái vòi mấy vòng rồi cùi đầu chào khán giả hai bên xong lại lùi về vị trí cũ.

Trên mỗi con voi có hai chàng mogat dũng mãnh, trong bộ trang phục sặc sỡ đẹp mắt đang trong tư thế chờ sẵn lệnh. Một tiếng tù rúc to báo hiệu lệnh xuất phát. Những chú voi bật lên như những chiếc lò xo phóng về phía trước trong tiếng reo hò của hàng ngàn hàng giả cùng tiếng chiêng ầm vang cả núi rừng.

Xem thêm : tại đây

Hội Bỏ Mả ( Hội Pơ Thi )

Đây là lễ hội lớn nhất, vui nhất, là ngày hội cuối cùng trong một năm của dân tộc Ba Na, Gia Rai, Êđe. Các dân tộc Anh em khác không có ngày hội này. Theo quan niệm của họ, người chết tuy mất đi thể xác nhưng phần hồn vẫn còn tồn tại luẩn quẩn xung quanh nhà mồ. Hồn sinh hoạt bình thường như người sống trên trần gian. Vì thế nên mỗi ngày trước khi ăn cơm người ta thường đem cơm, thức ăn, hoa quả rồi đặt vào nhà mồ rồi ngồi khóc.

bỏ mả

Trong thời gian giữ nhà mồ, người ta phải tốn kém rất nhiều của cải, gia súc, thóc gạo để tổ chức thăm viếng. Những người chịu tang không được tham gia vào những ngày lễ hội, những cuộc vui chung. Trong thời gian chịu tang, người chồng hoặc người vợ góa không được đi bước nữa. Nếu ai quy phạm sẽ bị phạt bằng cách trả lại một phần của cải chung của hai vợ chồng. Hơn nữa còn phải xuất tiền riêng của mình để làm lễ Pơ Thi.

Muốn khỏi tốn kém, bận tâm với người chết, gia đình phải tổ chức lễ Pơ Thi (thường là 3 năm dài là 7 năm). Hoặc tính thời gian đó bằng cách trồng bên cạnh nhà mồ một cây ăn quả, bao giờ cây ra quả là tiến hàng bỏ mả.

tượng nhà mồ

Xem thêm thông tin Các bước tiền hành lễ bỏ mả: tại đây 

Xem thêm một số lễ hội lớn ở Tây Nguyên: Lễ hội dân tộc chu ru, Lễ hội dân tộc Mạ, Lễ hội dân tộc Cơ Ho, Hội mừng sức khỏe, lễ hội đâm trâu…:  tại đây 

Một số công trình kiến trúc văn hóa và điêu khắc các dân tộc Tây Nguyên:

Nhà Dài Êđê: Nhà dài không chỉ biểu hiện vật chất của thể chế đại gia đình mẫu hệ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người Êđê .

Người Êđê có tập quán sinh sống chung ba đến bốn thế hệ trong một ngôi nhà lớn. Đó là kiểu nhà sàn được làm bằng gỗ và tre nứa thường được làm rất dài để đủ cho một đại gia đình trên dưới chục người cùng sinh sống với nhau. Họ rất ít khi làm nhà mới thay cho nhà cũ. Nếu có thêm người thì nối phần sau thêm vào cho dài thêm. Có lẽ vì vậy người ta gọi đó là nhà dài.

Theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình là chủ gia đình. Khi bà mất, quyền hành được trao vào tay cô con gái út. Nếu người con gái út đó còn ít tuổi thì người chị cả tạm thay quyền đó. Cho tới khi, cô em đó đủ tuổi trưởng thành thì người chị cả trao quyền lại.

Sử thi Êđe có viết: “Nhà Đăm Di có chiếc cầu thang to bằng cái chiếc bốn người nằm, rộng bằng tấm phên mười người ngủ, đủ để cho ba bốn người lên xuống một lúc. Đầu cầu thang có chạm nổi một đôi vú to,  nhẵn bóng, để người ta lên nắm, người xuống vịn… Con gái đi lên, ngực chạm ngực. Đàn bà đi xuống vú chạm vú. Người vào vai chạm vai, mải mê thổi cơm… Những bộ chiêng chiếm đầy ngăn, chặt vá. Phía trước nhà treo những dây dài xương hàm nai, hưu, lợn nòi…”

nhà dài người Êde

Xem thêm thông tin Nhà Dài người dân tộc Êđê: tại đây 

Xem thêm thông tin nhà Rông, Làng Ba Na..: tại đây 

Tượng nhà Mồ 

Một bộ phận tạo nên nhà Mồ đó là những tượng có hình trang trí xung quanh hàng rào. Các hình có hình chạm khắc bên trên thường là hình cặp ngà voi, bầu nước, cối giã gạo, phụ nữ bồng con, người đàn bà ngồi khóc, mẹ bồng con… Ý nghĩa của những tượng nhà mồ này là để tiễn đưa người chết qua thế giới bên kia. Tượng nhà mồ là những cảnh sinh hoạt xung quanh đời sống hằng ngày…

Xem thêm : Tại đây 

Tây Nguyên là xứ sở của những thiên sử thi đẫm chất huyền thoại, vùng đất của đại ngàn xanh thẳm, của không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005…

Đăng ký Online

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here