Trang chủ TÀI LIỆU DU LỊCH 10 ngày cuối cùng của triều Nguyễn

10 ngày cuối cùng của triều Nguyễn

10 ngày cuối cùng của triều Nguyễn và lời tiên tri của trạng Trình

1702
0
Chia sẻ

Như bao triều đại phong kiến khác tại Việt Nam trước đây, vương triều Nguyễn cũng đã được thành lập, phát triển và lụi tàn theo nhịp phế hưng của dòng chảy lịch sử dân tộc và theo đà trôi xuôi của thời gian. Hãy cùng huongdanviendulich.org tìm hiểu về 10 ngày cuối cùng của triều Nguyễn.

     Ngày 19-08-1945: Tổng lý Ngự tiền vǎn phòng triều đình Huế Phạm Khắc Hòe (lúc này đã có liên lạc với đồng chí Tôn Quang Phiệt có chủ trương vận động Hoàng đế Bảo Đại thoái vị) yết kiến vua gần tiếng đồng hồ: báo cáo tình hình dân nổi dậy khắp các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Ngãi. Ở Thừa Thiên cũng có hai tổng thuộc huyện Phong Điền tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng, tịch thu sổ sách và đồng triện của tổng lý.

Ngay ở cố đô Huế cũng có biểu tình giương cao cờ đỏ sao vàng… Ông Hòe muốn vua thấy rằng, tự nguyện thoái vị là con đường tốt nhất… Trong ngày, vua bốn lần cho gọi ông Hòe hỏi đã biết lãnh tụ Việt Minh là ai chưa? Ông tin lãnh tụ Việt Minh sẽ vào Huế thành lập nội các (dưới chính thể quân chủ của vua)!?

     Ngày 20-08-1945: Sáng, ông ra phố đọc được bức thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Về triều, ông Hòe tâu lại và gợi ý xem vua có hiểu biết gì về Nguyễn Ái Quốc không. Bảo Đại cho rằng, chỉ biết Nguyễn Ái Quốc viết kịch “Con rồng tre” đả kích Khải Định, ngoài ra không biết gì hết. Ông kể cho vua nghe chuyện một câu sấm lưu truyền ở xứ Nghệ Tĩnh nói về Nguyễn Ái Quốc. Đó là câu “Đụn Sơn phân giải, Bó Đái thất thanh, Nam Đàn sinh Thánh”. Tương truyền là câu phán của Trạng Trình từ thế kỉ 16. Đến cuối thế kỉ 19 Đụn Sơn mới nứt ra, khe Bò Đái tắt tiếng thất! Bảo Đại lắng nghe câu chuyện thần bí đó một cách chǎm chú.

Ông Hòe tâu: “Từ nay không có Tây đứng kèm bên ngài trong lễ “Quốc khánh” nữa, nhưng ngài vẫn được vô sự nhờ có sự chở che của cách mạng”. Bảo Đại hỏi ngay ông Hòe: – Thế thì ông muốn khuyên trẫm thoái vị, nhường tất cả quyền binh cho Việt Minh phải không? – Tâu đúng vậy – Nếu quả người cầm đầu Việt Minh là “thánh Nguyễn Ái Quốc” thì tôi sẵn sàng thoái vị ngay! Bảo Đại nói quả quyết.

     Ngày 21 và 22-08-1945: Ông Hòe dự thảo chiếu “thoái vị cho vua”. Không khí khởi nghĩa bừng bừng khắp Huế. Cả lính bảo an và lính hộ thành cũng ngả theo cách mạng. Kinh đô Huế là nơi có người đeo bài ngà nhiều nhất nước, thế mà từ 22-08 tuyệt đối không thấy một ai đeo bài ngà đi ngoài phố.

     Ngày 23-08-1945: Vua Bảo Đại dậy sớm hơn mọi ngày, mặt đượm buồn. Vì mấy ngày hôm trước có mấy người Việt Minh lên Kỳ đài hạ cờ của nhà vua xuống, treo cờ đỏ sao vàng lên. Đại nội đại thần Nguyễn Duy Quang ra cản không được. Vì những người lính khố vàng có mặt, không giúp Triều đình mà còn ủng hộ Việt Minh. Vua bực mình vì mình chưa thoái vị, đại biểu trung ương lâm thời chưa đến mà đã hạ cờ vua xuống. Bảo Đại nhận được tối hậu thư của Việt Minh do Nguyễm Xuân Dương (chánh vǎn phòng Bộ Nội vụ Triều đình Bảo Đại, chuyển vào, thư nêu ba điểm:

1- Nhà vua phải giao lại cho chính quyền cách mạng đội lính khố vàng với tất cả trang bị, vũ khí, đạn dược;

2- Nhà vua phải báo cho Nhật biết đã trao hết quyền bính cho chính quyền cách mạng;

3- Nhà vua phải điện ra cho các tỉnh trưởng phải giao chính quyền cho cách mạng, tức là Việt Minh.

Bức thư hạn cho nhà vua trước một giờ rưỡi ngày 23-08-1945! Đồng thời, bức thư cử ông Nguyễn Khắc Hòe làm liên lạc giữa nhà vua và chính quyền cách mạng.

12 giờ 25 phút, nội các triều Nguyễn họp dưới sự chủ tọa của nhà vua đồng ý chấp nhận các điều kiện của Việt Minh và thông qua “chiếu thoái vị” của nhà vua. Không ai có ý phản đối.
13 giờ 45 phút, ông Hòe gặp đại diện Việt Minh báo là nội các Bảo Đại đã chấp nhận các điều kiện của Việt Minh và đồng ý thoái vị.

     Ngày 24-08-1945: Bảo Đại tỏ rõ sự lo lắng và thất vọng khi nhận được bức điện của cách mạng từ Hà Nội gửi vào:” Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập. Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu vua thoái vị ngay để củng cố nền độc lập nước nhà”. Lo buồn vì không biết Hồ Chí Minh là ai? Không biết có phải là Nguyễn Ái Quốc hay không? Ông Hòe nhờ ông Đào Duy Anh tra cứu sách vở cũng không thấy. May nhờ Vũ Vǎn Hiền (nội các Bảo Đại) vừa từ Hà Nội vào mới biết đó chính là Nguyễn Ái Quốc. Nhà vua bật ngay câu tiếng Pháp:”Ca vaut bien le coup alors” nghĩa là: “Như thế thì thật đáng thoái vị”.

     Ngày 25-08-1945: Triều đình Huế tiếp được điện của Chính phủ: “Hoan nghênh tinh thần đoàn kết, dân chủ, thống nhất của Hoàng đế. Yêu cầu Hoàng đế chính thức thoái vị để yên lòng dân. Đại biểu Chính phủ lâm thời sắp tới Thuận Hóa”. Chiếu thoái vị và Bản tuyên chiếu với Hoàng tộc của Bảo Đại được niêm yết tại Phan Vǎn Lâu và sao gửi các địa phương.

     Ngày 26-08-1945: Cả buổi sáng, Bảo Đại ngồi nói chuyện với ông Hòe về chuyện hoàn dân, có ý định tạo lập cuộc sống trong hoàn cảnh mới. Nhà vua dự định sẽ về đồn điền riêng ở Bờ Lao (tức Bảo Lộc cũ), sẽ trồng chè và làm nghề sǎn bắn. Ông bán da hổ, thịt hổ, móng hổ v.v. còn ông Hòe sẽ nấu xương hổ làm cao hổ cốt!. Hai giờ ngày 26-08, Bảo Đại làm lễ báo cáo với tổ tiên ở Thế Miếu. Chỉ có bốn đại thần đến dự, dù mời rất nhiều người.

     Ngày 27-08-1945: Ông Hòe đang ngồi ở vǎn phòng ngự tiền, thì bỗng có thị vệ mang mũ cửu phượng đến nói là Hoàng hậu trả mũ. Ông Hòe buộc phải đến gặp Hoàng hậu nói rõ rằng. Tất cả các tài sản trong Đại nội đều thuộc chính quyền nhân dân, phải được kiểm kê, đối chiếu với sổ sách và bàn trả cho chính quyền nhân dân. Mong hoàng hậu đừng hiểu lầm.

     Ngày 28-08-1945: Cả chiều 27 và sáng 28, ông Hòe cho kiểm kê tài sản trong Đại nội. Quý giá nhất là các đồ bằng vàng, bạc, đá quí, châu báu có tính chất lịch sử của các đời nhà Nguyễn. Số tài sản này sau đó được giao cho chính quyền cách mạng đầy đủ, có giấy tờ minh bạch.

     Ngày 29-08-1945: Nhân dân Huế mít-tinh ở sân vận động chào mừng phái đoàn chính quyền cách mạng lâm thời từ Hà Nội vào nhận sự thoái vị của nhà vua. Phái đoàn gồm có: Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận. Vua Bảo Đại nêu nguyện vọng ba điểm:

1 – Đề nghị chính quyền cách mạng đối xử cho có sự thể các lǎng tẩm, đền miếu của các vua chúa nhà Nguyễn.

2 – Đề nghị coi những người trong hoàng tộc cũng như mọi công dân, không phân biệt đối xử.

3 – Đối với quan cũ, xin Chính phủ cách mạng cho phép tùy theo tinh thần và khả nǎng của mình mà đóng góp vào công cuộc giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước. Phái đoàn cách mạng chấp nhận ba điểm của vua và đề nghị thêm ba điểm về việc thoái vị: Bảo Đại phải ra khỏi Đại nội. Trừ của riêng, tài sản của triều đình là tài sản của chính quyền cách mạng. Lǎng tẩm, đền miếu của nhà Nguyễn sẽ được giữ gìn, việc thờ cúng sẽ được đảm bảo.

     Ngày 30-08-1945: Buổi trưa, cờ vàng của nhà vua được kéo lên Kỳ đài. Hàng vạn đồng bào Huế có mặt từ sớm trước Ngọ Môn. Phái đoàn được đón lên lầu Ngũ Phụng trên Ngọ Môn, giữa tiếng hô vang của 5 vạn đồng bào. Bảo Đại chỉnh tề khǎn vàng, áo vàng, quần trắng, giày dừa thêu rồng ra đón phái đoàn. Sau khi ông Trần Huy Liệu phát biểu lý do buổi lễ. Bảo Đại đọc tờ chiếu thoái vị một cách xúc động. Chiếu nguyên xong thì cờ vàng của vua hạ xuống, cờ cách mạng kéo lên trong 21 phát súng lệnh rền vang.

Sau tiếng súng nổ, Bảo Đại trao quốc ấn nặng gần 10 kg và quốc kiếm bằng vàng có nạm ngọc. Ông Nguyễn Lương Bằng cài huy hiệu lên ngực Bảo Đại. Đồng thời Cù Huy Cận tuyên bố: vua Bảo Đại từ nay trở thành công dân Vĩnh Thụy (cũng là tên vua)… Ông tươi cười vẫy tay chào đồng bào ra về.

Theo Đoàn Thành Nhân (st)

(Nguồn: dulichhue.com)

 

Đăng ký Online

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here