Trang chủ CẨM NANG HDV Sài Gòn có phải là ‘Hòn ngọc Viễn Đông’?

Sài Gòn có phải là ‘Hòn ngọc Viễn Đông’?

1753
0
Chia sẻ

1434181689-anboanh_1_rfzx

Vị thế của Sài Gòn có tên gọi trong “Hòn Ngọc Viễn Đông”

Trước tiên xin xét đến cụm từ “Hòn ngọc Viễn Đông”. Trong quyển sách France in Indochina: Colonial Encounters, xuất bản năm 2001, tác giả – Tiến sĩ Nikki Cooper, đại học Bristol, giải thích lý do Pháp chiếm Việt Nam làm thuộc địa như sau:

“Quá trình thực dân hóa nhiều vùng lãnh thổ khác nhau mà sau này tạo nên Đông dương thuộc Pháp diễn ra trong nhiều năm. Người Pháp trước tiên chinh phục ở phía nam, tại Nam Kỳ, trong thập kỷ 1860. Suốt 30 năm tiếp theo, nước Pháp thúc đẩy vững vàng về phía bắc, chiếm thêm Trung Kỳ, Bắc Kỳ và cả Campuchia lẫn Lào. Những vùng đất này đã được chính thức gộp chung lại dưới tên Đông dương thuộc Pháp vào năm 1885.

Mong muốn tạo lập một đế chế thuộc Pháp tại Đông Nam Châu Á ấy, đã phần nào được vận động bởi ganh đua đế quốc cùng nước Anh. Đông Dương thuộc Pháp được dự định nhằm cạnh tranh với Ấn Độ thuộc Anh: Pháp tạo ra “Hòn ngọc Viễn Đông” để ứng đối với Ấn Độ mà Anh đã gọi là “Viên châu báu trên vương miện.”

Như vậy cụm từ “Hòn ngọc Viễn Đông” dù đầu tiên dùng cho toàn cõi Đông Dương, hay sau này không ít người ghép nó với danh xưng Sài Gòn, không nói đến thực chất tươi đẹp thịnh vượng đang là, nó nhiều chất định hướng cũng như tượng trưng hơn.

Có thể sau này người Pháp đã đầu tư mạnh mẽ vào Sài Gòn, qui hoạch phù hợp để thành phố trở thành thủ phủ Đông Dương nhưng thực sự là không có căn cứ nào để nói Sài Gòn từng là số một của khu vực, nếu chỉ dựa vào mấy từ hào nhoáng “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Vị thế của Sài Gòn trong khu vực

Theo các hồ sơ lưu trữ cũng như các nghiên cứu kinh tế Châu Á suốt thế kỷ 20, GDP Việt Nam đều có vị trí rất thấp. Ví dụ, theo thống kê của hai giáo sư kinh tế học Jean-Pascal Bassino và Pierre van der Eng, từ 1913 đến 1970 kinh tế Việt Nam (cả miền bắc và miền nam) hầu như luôn thấp hơn Malaya (tiền thân của Malaysia với Singapore là thủ đô kinh tế), Philippines, Thái Lan (không có số liệu trước 1950).

Tùy thời điểm, GDP Malaya thường gấp đôi đến gấp 3 lần Việt Nam, thì lẽ nào thủ phủ kinh tế của nó chỉ là một làng chài nhỏ và mơ được như Sài Gòn!

Không phải cách đây 50 năm, mà là gần 90 năm (1922), một học giả Việt Nam nổi tiếng là ngài Phạm Quỳnh đã viết trong quyển “Pháp du hành nhật ký” về Singapore thế này:

Mặt trời mới mọc, trông vào bến Singapore, không cảnh gì đẹp bằng, như một bức tranh sơn thủy vậy. Lần này mới được trông thấy một nơi hải cảng là lần thứ nhất, thật là một cái cảnh tượng to tát. Cửa Hải Phòng, cửa Sài Gòn của ta kể cũng khá to, nhưng sánh với cửa Singapore này còn kém xa nhiều. Bến liền nhau với bể, chạy dài đến mấy nghìn thước, tàu đỗ không biết cơ man nào mà kể, tàu của khắp các nước đi tự Á Đông sang Ấn Độ và Âu Tây đều phải qua đấy.”

Vào đến trong phố thời nghiễm nhiên là một nơi đô hội của người Tàu, chẳng kém gì thành phố Chợ Lớn. Phố xá đông đúc, san sát những hiệu Khách cả, có mấy dãy phố toàn những nhà tửu lâu khách sạn, ngày đêm tấp nập những khách ăn chơi, người đi lại…”

Singapore có thể chia ra hai phần: một phần là phố Khách, một phần là phố Tây. Phố Tây cũng sầm uất bằng phố Khách mà lại có cái vẻ nguy nga hơn. Phố Tây ở Singapore này có khác phố Tây ở các nơi khác, nhất là khác các phố Tây của người Pháp ở, như trong các thành phố ta. Người Pháp ở đâu thì những nhà lầu to lớn phần nhiều là các dinh thự công sở của Nhà nước. Người Anh ở đâu thì những nhà lầu to lớn là các cửa hàng, hội buôn, công ty, ngân hàng.

Những hàng buôn của người Anh ở Singapore thật là những lâu đài vĩ đại, chiếm từng dãy phố dài. Ngoài các phố phường buôn bán, đến những nơi nhà ở riêng, làm theo lối “biệt thự” (villas) của người Anh, nhà xây ở chỗ đất cao, chung quanh vườn rộng, xe hơi chạy lùng khắp được. Những nhà ấy phần nhiều của người Anh, nhưng cũng có nhà của các chủ hiệu Khách lớn. Ban ngày xuống phố làm việc, chiều tối về nhà riêng nghỉ. Xe hơi ở Singapore, thật không biết cơ man nào mà kể, nào xe riêng, nào xe thuê, cả ngày chạy như mắc cửi. Vào đến Sài Gòn, thấy xe hơi chạy đường Catinat đã lấy làm nhiều, nhưng xe hơi ở Singapore lại còn nhiều hơn nữa, và ở Singapore đường phố nào cũng như đường Catinat hết thảy.”

Và rất may, chúng ta vẫn còn lời văn của một học giả khác, nổi tiếng hơn cả Phạm Quỳnh, đã mô tả Bangkok vào giữa thế chiến thứ 2. Ngài Trần Trọng Kim viết trong hồi ký “Một cơn gió bụi” của mình như sau:

Thành Băng Cốc, xưa kia thường gọi là thành Vọng-Các là kinh đô của nước Xiêm, một thành thị rất lớn, có thể lớn gấp năm gấp bảy lần Hà Nội, dân cư rất trù mật có đủ các thứ người, nhưng phần nhiều là người Tàu ở lâu đã nhập tịch nước Xiêm. Hạng người ấy rất hoạt động về đường kinh tế và chính trị. Trừ khu nhà vua, các cung điện làm theo lối cổ, nhà một tầng, mái dốc, nóc nhọn, có các kiểu trang sức đặc biệt của Xiêm. Còn phố xá ở ngoài thành nhà vua trông giống như thành Quảng Châu hay thành Thượng Hải bên Tàu.”

Những số liệu cũng như trích dẫn ở trên chứng tỏ rằng Sài Gòn chưa bao giờ là số một ở Đông Nam Á và danh xưng “hòn ngọc Viễn Đông” vô thực chất của nó hiện nay chủ yếu chỉ để quảng cáo du lịch.

Chuyện ông Lý Quang Diệu mơ ước Singapore được như Sài Gòn khó tin hơn cả việc người ta từng cho rằng khắp quả đất đã mong một ngày thức dậy bỗng trở thành người Việt Nam trên tuyến đầu đánh Mỹ!

Tập truyền đầy cảm tính đã dẫn chúng ta đi quá xa thực tế, và không khéo sẽ lạc đường. Chẳng hạn chúng tôi biết không ít bạn đọc đang đọc bài này có nghe giai thoại về chuyện đèn dầu treo ngược của cụ Phan Thanh Giản. Các bạn nên để ý, khi cụ Phan đi sứ Pháp thì ngài Edison hoặc bất cứ ai vẫn chưa đăng ký bằng sáng chế đèn điện.

Từ vùng đất hoang vu, hơn trăm năm trước người Pháp muốn biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông” để cạnh tranh với các thuộc địa khác của Anh.

Vùng Viễn Đông theo địa lý gồm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Cuối thế kỷ 19, đầu 20, hầu hết các quốc gia này đều thành thuộc địa hoặc chịu ảnh hưởng của cường quốc phương Tây. Trong đó Pháp và Anh là hai nước xâm chiếm và mức độ cạnh tranh lớn nhất.

Sự cạnh tranh của Anh, Pháp trong việc “khai hóa” các nước thuộc địa. Từ những năm 1895, Pháp tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ở thuộc địa nhằm phát triển kinh tế. Họ đặt tham vọng vượt mặt nước Anh tại Singapore và HongKong.

Danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” (La perle de l’Extrême Orient) xuất hiện để chỉ cho Sài Gòn. Đây được xem là thủ phủ của Đông Dương về kinh tế, giải trí để cạnh tranh với Singapore của người Anh.

Giai đoạn này, Sài Gòn từ thành phố hoang vu, được gọi là thị trấn giữa rừng (Prei Nokor) đã được người Pháp đầu tư xây dựng bài bản nhất so với các thành phố khác trong khu vực.

Dưới sự chỉ huy của trung tá công binh Coffyn, Sài Gòn được quy hoạch lại theo lối phương Tây. Giai đoạn này, khu vực trung tâm thành phố xuất hiện hàng loạt các công trình nổi bật còn tồn tại đến ngày nay như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, Dinh thống đốc, Phủ toàn quyền…

Tuyến đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay) được ví như trái tim của Sài Gòn khi tập trung nhiều điểm vui chơi, giải trí của thành phố. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn mọc lên dọc trục đường đã quy tụ giới tinh hoa, giàu có về tiêu xài, hưởng thụ.

Các công trình được xây trên khu đất đẹp, cao ráo, hướng ra dòng sông uốn lượn bao quanh là rừng. Trên kênh Lớn (đường Nguyễn Huệ nay) hay kênh Xáng (đường Hàm Nghi) có những khu chợ thông thương với sông Sài Gòn tấp nập người mua kẻ bán. Một thị trấn giữa rừng dần chuyển mình phát triển.

Những thương nhân ở Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ… khi dong thuyền vượt biển qua trao đổi, buôn bán đều ấn tượng với thành phố mới nổi này. Họ neo thuyền dọc cảng Bến Nghé, Bạch Đằng lên bờ mua vải vóc, lụa là, châu báu rồi ghé những khu vui chơi sầm uất gần đó. Những thương thuyền này sau đó truyền miệng nhau tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông” – mỹ danh của Sài Gòn ra khắp thế giới.

Giao thông đường thủy được người Pháp ưu tiên phát triển, kênh Bến Nghé – Tàu Hủ trở thành tuyến thông thương chính cho thuyền bè từ Đông Nam bộ, miền Tây vào sâu trong Sài Gòn đến vùng Chợ Lớn.

Hàng chục bến bãi bốc dỡ, chuyển hàng hóa mà tên gọi còn đến ngày nay như bến Hàm Tử, Bình Đông, Chương Dương, Vân Đồn, Bạch Đằng… Dọc theo hai kênh là đường bộ mà hiện nay là đường Võ Văn Kiệt và Bến Vân Đồn (quận 4), Bến Bình Đông (quận 8).

Ngoài tuyến đường thủy, để kết nối với khu Chợ Lớn và phía Tây Sài Gòn ngày nay, các đại lộ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai… dần hình thành. Đặc biệt, khi xuất hiện chợ Bến Thành năm 1914, nhu cầu thông thương hàng hóa giữa khu vực trung tâm Sài Gòn và Chợ Lớn phát triển mạnh. Từ yêu cầu cấp thiết này, khu vực đầm lầy giữa Sài Gòn – Chợ Lớn được san lấp để mở đại lộ Trần Hưng Đạo ngày nay.

Năm 1885, tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương dài 70 km nối Sài Gòn – Mỹ Tho cũng được xây dựng. Đây là tuyến đường sắt thứ hai do người Pháp xây dựng ở nước ngoài, sau tuyến đường 13 km ở Pondichéry (Ấn Độ) năm 1879. Ga tàu lúc đó nằm tại công viên 23/9 ngày nay, tuyến đường do nhà thầu Joret của Pháp thi công.

Tuyến đường sắt đã hút một lượng lớn khách ở Sài Gòn thời điểm đó. Chính quyền thuộc địa thu lời lớn từ dự án. Năm 1896, tổng lãi thu được từ tuyến đường sắt là 3,22 triệu francs, đến năm 1912 lãi 4 triệu francs.

Phía đông thành phố, năm 1902, cầu Bình Lợi được khánh thành đưa vào sử dụng. Cây cầu rút ngắn tuyến đường đi Thủ Đức, Biên Hòa, thông với đường thiên lý Bắc Nam (Quốc lộ 1 hiện nay) của người Việt xưa.

Nếu so sánh về hạ tầng cơ sở, cùng thời, Sài Gòn bỏ xa Bangkok và Singapore. Nhưng lúc bấy giờ, Singapore có tầm quan trọng lớn về chiến lược khi nằm trên tuyến đường biển quốc tế, nơi thông thương của thương thuyền trên thế giới. Lúc này, Singapore cũng là hải cảng lớn nhất khu vực.

Theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, lúc Sài Gòn được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông” thì thành phố có quy mô nhỏ, phạm vi chỉ gói gọn ở trung tâm Sài Gòn ngày nay. Mỹ danh này cũng sớm kết thúc vào giữa thế kỷ 20.

Do chiến tranh cũng như người dân nông thôn đổ về thành phố ngày một đông khiến nó bị quá tải. Sài Gòn xuất hiện nhiều khu ổ chuột, người dân sống nhếch nhác ven kênh rạch, điều kiện vệ sinh, an ninh kém.

Còn PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Kinh tế Việt Nam – cho rằng, thập niên 60-70, Sài Gòn vẫn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” – thành phố được định danh duy nhất ở khu vực. Trong khi Singapore lúc đó chỉ là đảo quốc hoang vu, Bangkok cũng ít người nhắc đến. Những quốc gia này lấy Sài Gòn như hình tượng để phát triển theo.

“TP HCM hiện phát triển hơn nhiều so với thời Hòn ngọc Viễn Đông nhưng những bước tiến đạt được chưa tương xứng tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu đua tranh với các thành phố có vị thế, chức năng tương tự trên thế giới. Những thành phố như Bangkok, Singapore, Busan… đã vượt lên, dù TP HCM có xuất phát điểm tốt hơn”, ông Thiên nói.

Viện trưởng Kinh tế cho rằng, quan điểm của Việt Nam những năm gần đây đã thay đổi và đây là cơ hội để đưa cả nước và TP HCM lên đẳng cấp mới.

Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng mong muốn đưa thành phố trở lại vị trí dẫn đầu. Ông thể hiện quyết tâm lấy lại mỹ danh “Hòn ngọc Viễn Đông” nức tiếng một thời mà quốc tế đã nói về Sài Gòn.

 

 

Đăng ký Online

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here